“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14: Khai mạc Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển”

15:18' - 09/05/2018
BNEWS Sáng 9/5, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển”.
Các diễn giả tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Huyền/BNEWS/TTXVN

Dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Bình Định, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, tham gia hội thảo còn có hai nhà khoa học từng đoạt giải Nobel danh giá là Giáo sư Gerard’t Hooft (Nobel Vật lý năm 1999) và Finn Kydland (Nobel Kinh tế năm 2004).

Phát biểu tại hội nghị GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, bày tỏ vinh dự được chào đón 150 nhà khoa học quốc tế đã vượt chặng đường dài đến Việt Nam để chia sẻ những thành tựu nghiên cứu tại hội nghị này.

“Chúng tôi rất cần sự giúp sức của cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là những nhà khoa học đang ngồi tại đây. Tôi hi vọng các nhà khoa học đang ngồi đây hãy chia sẻ những nghiên cứu, phát hiện mới mà quý vị có được cho chúng tôi”. GS Vân chia sẻ.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Tổng Thư ký Quốc hội, ngoài việc tạo môi trường gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà khoa học quốc tế, hội thảo cũng là một kênh truyền tải tri thức khoa học, niềm say mê sáng tạo đối với cộng đồng khoa học trong nước và học sinh, sinh viên.

Những hoạt động thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” là cơ hội để cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu, quan trọng nhất là định hướng hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển” nằm trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, được thực hiện bởi Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại diện các tổ chức quốc tế gặp gỡ, trao đổi, bàn thảo nhiều nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học.

Diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/5, Hội thảo gồm 7 cuộc Hội thảo bàn tròn với những chủ đề thảo luận “nóng” hiện nay như: Tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội; khoa học và việc hoạch định chính sách; khoa học và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; khoa học và chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; khoa học giúp đưa ra cảnh báo và giải pháp; các mô hình khoa học và sự phát triển; khoa học là yếu tố thúc đẩy đối thoại…

Các đại biểu dự Hội thảo cũng thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (năm 2015) của Liên hợp quốc, dưới góc nhìn của giới khoa học công nghệ.

Theo đó, phát triển khoa học công nghệ sẽ giúp cung cấp phương thức thực hiện, công nghệ và tính sáng tạo cần thiết để các quốc gia đã và đang phát triển biến mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 thành hành động cụ thể, thiết thực.

Hội thảo cũng góp phần thiết lập cầu nối giữa các chính khách, nhà khoa học, nhà ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách trong nước, quốc tế.

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành từ năm 1993 tại Pháp nhằm hỗ trợ Việt Nam về mặt khoa học, giáo dục.

Từ năm 2013 đến nay, chuỗi các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được thực hiện tại Bình Định với hơn 40 hội nghị khoa học quốc tế, 16 khóa học chuyên đề, hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế tham gia; đặc biệt, trong đó có 12 Giáo sư đoạt giải Nobel, 2 Giáo sư đoạt giải Toán học Fields, 2 Giáo sư đoạt giải Thiên văn học Kavli cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng thuộc các lĩnh vực trên thế giới.

Ngoài ra, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức khóa học chuyên đề dành riêng cho các nhà nghiên cứu trẻ, tổ chức các buổi thuyết trình, giao lưu giữa những giáo sư nổi tiếng và giới nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục