Ứng phó với sự cố tràn dầu-hóa chất: Bài 1- Năng lực còn hạn chế

10:44' - 23/11/2017
BNEWS Tăng cường công tác quản lý và chủ động nâng cao năng lực ứng phó với sự cố môi trường, nhất là sự cố tràn dầu-hóa chất ngay tại cơ sở là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Chủ động nâng cao năng lực ứng phó với sự cố môi trường, nhất là sự cố tràn dầu-hóa chất ngay tại cơ sở là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam hiện có 3 Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất quốc gia khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Do còn nhiều bất cập về năng lực và công tác tổ chức nên khi có sự cố môi trường xảy ra, các hoạt động ứng phó chưa kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường.

Do đó, tăng cường công tác quản lý và chủ động nâng cao năng lực ứng phó với sự cố môi trường, nhất là sự cố tràn dầu-hóa chất ngay tại cơ sở là vấn đề cấp thiết hiện nay.

* Năng lực còn hạn chế

Theo số liệu tổng kết các sự cố môi trường trong 2 thập niên vừa qua của các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất quốc gia cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 70 sự cố môi trường, trong đó chỉ có 5% là sự cố tự nhiên, còn lại 95% sự cố xảy ra do lỗi của con người.

Trong hầu hết các sự cố, các doanh nghiệp thường không thông báo cho các cơ quan quản lý biết vì sợ bị phạt nên khi sự cố xảy ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ việc có diễn biến phức tạp do cơ quan quản lý không nhận được thông báo khẩn cấp nên hoạt động ứng phó không thành công, làm ô nhiễm lan rộng phát tán ra ngoài môi trường.

Mặt khác, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia chủ yếu xử lý về các sự cố tràn dầu, còn các sự cố về hóa chất Việt Nam chưa có lực lượng ứng phó. Riêng Binh chủng Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng không tham gia ứng phó các sự cố hóa chất của doanh nghiệp, chỉ có sự cố cấp quốc gia thì lực lượng này mới tham gia ứng phó khi có chỉ đạo.

Ngoài ra, do khoảng cách giữa các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia rất xa, cùng với những hạn chế về rào cản trong cách tổ chức, bất cập trong huy động nguồn lực nên không thể thực hiện hoạt động ứng phó sự cố nhanh chóng. Mặt khác, công tác phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu-hóa chất, nhất là công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó của nhiều địa phương và doanh nghiệp còn mang nặng tính hình thức.

Do đó, khi xảy ra sự cố thực tế, chính quyền địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, chỉ huy hoạt động ứng phó sự cố. Nhiều doanh nghiệp khi bị sự cố hoàn toàn không thể ứng phó do chưa có trang thiết bị vật tư chuyên dụng, đồng thời cũng không thể huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp lân cận.

Các doanh nghiệp thiếu cán bộ chuyên trách về an toàn môi trường để xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất, cũng như xác định chủng loại trang thiết bị vật tư chuyên dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của mình. Nhiều doanh nghiệp đầu tư rất tốn kém cho các thiết bị nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả.

Các đơn vị tư vấn cũng thiếu nhân lực có kinh nghiệm trong ứng phó sự cố môi trường, thậm chí không am hiểu kĩ thuật về trang thiết bị ứng phó nên sản phẩm tư vấn thường mang tính lý thuyết, không áp dụng được trong thực tế.

Tại các cơ quan quản lý địa phương nhiều cán bộ không đủ năng lực chuyên môn để thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố, đánh giá năng lực phòng ngừa, diễn biến sự cố, chỉ huy hoạt động ứng phó theo phân cấp khi sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện nay còn thiếu các trạm ứng phó chuyên nghiệp ở các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục