Vấn đề Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của thế giới

06:08' - 13/05/2017
BNEWS Theo mạng tin riss.ru (Nga), tình hình trên và xung quanh Bán đảo Triều Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Bốn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng thử trong cuộc diễn tập quân sự của các đơn vị pháo binh Hwasong. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Đó là điều dễ hiểu vì tình hình căng thẳng đang leo thang tại đây tiềm ẩn những hậu quả nặng nề không chỉ đối với các nước Đông Á mà còn cả với các nước khác.

Chỉ trong năm 2016, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử nguyên tử và 24 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, dường như nước này vẫn chưa có ý định dừng lại. Hành động này của Triều Tiên được giải thích là do không có bảo đảm an ninh từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Các cuộc tập trận quân sự quy mô giữa Mỹ và Hàn Quốc được tiến hành thường xuyên gần biên giới Triều Tiên được xem như sự khiêu khích có thể biến thành cuộc xâm lược vào lãnh thổ quốc gia có chủ quyền vào bất kỳ lúc nào.

Hơn thế nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai gọi Triều Tiên là “vấn đề” mà ông nhất định sẽ giải quyết, kể cả sử dụng tất cả các phương tiện mà ông có, thậm chí cả phương tiện quân sự.

Trung Quốc, nước quan tâm đến việc gìn giữ hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, đã đề nghị Mỹ từ chối tiến hành những cuộc tập trận khiến Bình Nhưỡng vô cùng lo ngại. Đổi lại, Triều Tiên có thể nhận trách nhiệm ngừng lại chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Mỹ từ chối phương án này và giải thích rằng tập trận là “công việc hợp pháp”. Họ không có ý định nhượng bộ, nhất là nhượng bộ một “đất nước bị ruồng bỏ”. Hậu quả là thế giới bị đẩy đến bên bờ vực một cuộc xung đột khu vực có thể vượt quá cả xung đột Trung Đông về quy mô.

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump hiện nay chưa có được một chương trình hành động toàn diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chưa có chiến lược đối với Triều Tiên.

Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đột ngột tuyên bố rằng các nước đồng minh của Mỹ phải “có trách nhiệm hơn trong việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm tài chính cho quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình”.

Chính quyền mới rất cần phải thể hiện được rằng Mỹ không rời khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và Washington vẫn tuân thủ trách nhiệm của mình về đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 3/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố về “lối tiếp cận mới” với Triều Tiên. Bản chất của lối tiếp cận này là tăng sức ép đa phương lên Bình Nhưỡng, thậm chí đến mức sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phản ứng gay gắt của Triều Tiên trước việc quân đội Mỹ và tàu chiến tập trung gần biên giới nước này đã cho phép Mỹ giải quyết vấn đề bàn thảo lâu nay về bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Theo lời Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, hệ thống này sẽ phải sẵn sàng tham chiến trong vòng vài ngày. Bước đi này đã gây nên phản ứng tiêu cực cả tại Trung Quốc lẫn Hàn Quốc.

Chuyến công du 10 ngày tới Seoul, Tokyo, Jakarta (Indonesia) và Sydney (Australia) của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhằm mục đích thảo luận về một hành động chung trong khu vực.

Truyền thông đưa tin dẫn nguồn từ Nhà Trắng cho biết: “Nước nào ông Pence đến thăm cũng thảo luận về tình trạng chiến tranh với Triều Tiên”.

Tình hình gia tăng căng thẳng xung quanh Bán đảo Triều Tiên là thách thức đối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Hành động của Bình Nhưỡng và Washington đã đặt họ trước một lựa chọn rất quan trọng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, ông Trump tuyên bố rằng sẽ nhượng bộ Trung Quốc trong thương mại để đổi lấy sự hỗ trợ của họ trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh không muốn một sự trao đổi như vậy, vì trong trường hợp đó, Triều Tiên có thể rơi vào tình huống giống như Iraq, Lybia và Syria trong thời gian không xa.

Trong trường hợp Triều Tiên đơn độc bị tấn công và họ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ thì các vùng lãnh thổ rộng lớn và dân cư của của các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc và Nga, sẽ phải chịu hậu quả.

Hậu quả là Trung Quốc sẽ phải đối đầu với những khó khăn lớn trong nước cũng như bên ngoài, kể cả trong việc thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” và các siêu dự án xuyên lục địa.

Vì vậy, khi lên án chương trình hạt nhân tên lửa của Bình Nhưỡng và ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc này, Trung Quốc ngả về đường lối giải pháp chính trị-ngoại giao cho chương trình hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong tuyên bố chung ngày 26/4 của Ngoại trưởng Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Matttis và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats nói rằng Washington muốn đạt được mục đích của mình bằng con đường tiếp tục siết chặt trừng phạt và sức ép ngoại giao lên Triều Tiên. 

Khả năng tháo gỡ "nút thắt" căng thẳng tại Đông Bắc Á còn rất xa vời trong bối cảnh xảy ra cuộc chiến truyền thông giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Dưới thời Chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang dựa vào Trung Quốc như một biện pháp để ngăn cản Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Mặc dù các căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã âm ỉ trong nhiều tuần qua nhưng Trung Quốc vẫn hy vọng rằng các cuộc đối thoại ngày một tăng lên sẽ loại bỏ nguy cơ hành động quân sự.

Ngày 3/5, Trung Quốc đã kêu gọi cả hai bên “ngừng chọc giận lẫn nhau” và “tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế”. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại rằng Triều Tiên sẽ bất chấp các quy định của HĐBA LHQ và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 được cho là có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay.

Những gì đang diễn ra tại Đông Bắc Á cũng đụng chạm trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga. Việc tập trung một lực lượng lớn quân đội Mỹ tại khu vực và tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên về việc sẵn sàng chặn đứng tấn công bằng vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến những tổn thất to lớn về người, phá hủy nghiêm trọng và lâu dài nền an ninh, hợp tác trong khu vực.

Và đây là kịch bản không mong muốn nhất. Giải pháp chỉ có một, đó là con đường đối thoại và thỏa hiệp với sự tham gia của tất cả các bên. Nga luôn nhất quán ủng hộ nối lại đàm phán sáu bên, củng cố hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi trong khu vực, trong đó bao gồm cả định dạng ba bên: Nga, Triều Tiên và Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục