Vấn đề Brexit: Hai tuần tới sẽ là phép thử sức chịu đựng của các thị trường tài chính

08:54' - 29/06/2016
BNEWS Các thị trường tài chính đã có dấu hiệu bình ổn trở lại trong phiên giao dịch 28/6 sau những ngày đồng bảng Anh và chứng khoán toàn cầu giảm mạnh do cử tri Vương quốc Anh quyết định rút khỏi EU.
Hai tuần tới sẽ là phép thử sức chịu đựng của các thị trường tài chính. Ảnh: reuters

Chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite đồng loạt khởi sắc sau hai ngày đi xuống (các thị trường chứng khoán toàn cầu "bốc hơi" tới 3.000 tỷ USD trong hai phiên này).

Tờ "Nhật báo Phố Wall" dẫn lời Frank Ingarra, người phụ trách mảng giao dịch của công ty quản lý tài sản NorthCoast, nhận định nguy cơ bất ổn vẫn còn, song các nhà giao dịch xem ra đã bắt đầu tìm thấy cơ hội mua vào.

Cũng trên tờ này, Mark Dowding, nhà quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý tài sản BlueBay, cho rằng các thị trường toàn cầu đang bình ổn trở lại, điều này chứng tỏ tác động của Brexit đối với châu Âu và Mỹ không nghiêm trọng như đối với nước Anh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo không nên vội lạc quan trước sự phục hồi của đồng bảng Anh bởi lẽ nước Anh đang rơi vào "khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng hiến pháp, khủng hoảng chính trị" và đồng tiền này có thể còn mất giá thê thảm hơn nữa.

Trong khi đó, tin tức kinh tế phát đi từ Mỹ cũng khiến các thị trường phấn chấn hơn. Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/6 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đạt tốc độ tăng trưởng 1,1% trong quý I/2016, tuy là mức thấp nhất trong một năm qua, song cao hơn dự đoán trước đó của bộ này là 0,8%.

Brexit là một vấn đề lớn đối với nước Anh và EU. Ảnh: globalresearch.ca

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp báo của tổ chức Conference Board hôm 27/6, ông Ken Goldstein, chuyên gia kinh tế thuộc Conference Board, nhận định Brexit là một vấn đề lớn đối với nước Anh và EU, song không phải là vấn đề có thể gây tác động lớn tới Mỹ.

Bởi, theo ông, nước Anh nói riêng và EU nói chung vốn không phải là đối tác thương mại lớn của Mỹ, đồng nghĩa với việc tác động từ Brexit tới nền kinh tế Mỹ là không đáng kể. Thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở tốc độ chậm rãi nên khi gặp “chướng ngại vật” cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Goldstein, hai tuần tới sẽ là phép thử sức chịu đựng của các thị trường tài chính trước cú sốc Brexit và dự đoán đến cuối tháng Bảy các thị trường có thể trở lại trạng thái trước khi diễn ra các cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Nhiều nhà đầu tư hiện dự đoán các ngân hàng trung ương chủ chốt sẽ sớm có hành động để đối phó với nguy cơ nền kinh tế thế giới sụt giảm do tác động của Brexit. Cụ thể, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể giảm lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế.

Tương tự, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng được dự đoán là từ nay đến hết năm 2016 có thể sẽ giảm lãi suất, thay vì tăng theo như kế hoạch trước đó.

Chuyên gia Goldstein cho rằng có ba lý do khiến Fed không tăng lãi suất trước năm 2017. Thứ nhất là cần có thời gian để đánh giá những hậu quả hậu Brexit.

Thứ hai là Fed không muốn trở thành một nhân tố trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ khi mà nhiều cử tri nước này đang muốn có sự thay đổi trong chính sách kinh tế. Thứ ba là tỷ lệ lạm phát vẫn "ngoan cố" ở dưới mức mục tiêu 2% mà ngân hàng này đề ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục