Brexit tác động thế nào đến kinh tế và thương mại Mỹ?

06:27' - 29/06/2016
BNEWS Thượng nghị sỹ Mỹ Mark Warner (đảng Dân chủ) cho rằng nền kinh tế Mỹ đủ kiên cường để trụ vững trước những tác động ngắn hạn của Brexit.
Brexit tác động thế nào đến kinh tế và thương mại Mỹ? Ảnh: slithersmusiczine.com

Thượng nghị sỹ Mỹ Mark Warner (đảng Dân chủ - bang Virginia) vừa có bài viết đăng trên mục quan điểm của tạp chí "Thời đại" (Time) của Mỹ phân tích về những tác động của việc người dân Vương quốc Anh ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đối với lợi ích thương mại của Mỹ.
Ông Warner cho rằng, sẽ mất một khoảng thời gian để những hỗn loạn, náo động do kết quả việc trưng cầu dân ý ở Anh lắng xuống, và nền kinh tế Mỹ đủ kiên cường để trụ vững trước những tác động ngắn hạn của sự thay đổi này.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là quan điểm chính trị chống lại toàn cầu hóa mà chúng ta đang chứng kiến ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ngay tại Mỹ. Những quan điểm ly khai ủng hộ sự ra đi của Anh khỏi EU cũng rất rõ ràng trong nền chính trị Mỹ và điều đó càng tạo thêm nhiều khó khăn cho việc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.
Với tư cách là một thành viên của đảng Dân chủ, ủng hộ thương mại và ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hợp nhất 12 quốc gia theo một bộ quy tắc thương mại xuyên Thái Bình Dương, ông Warner cho rằng Mỹ nên tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo trong thiết lập những quy định thương mại ở khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới này.

TPP sẽ tạo ra nhiều việc làm ở Mỹ, đồng thời củng cố bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện lao động ở các quốc gia Thái Bình Dương. TPP được cho là sẽ gia tăng hiệu quả nền kinh tế Mỹ tới hàng tỷ USD và hỗ trợ hàng triệu lao động mới cũng như cũ ở Mỹ.
Việc nước Anh rời bỏ EU cho thấy tất cả các chuyên gia trên thế giới cũng như tất cả các dữ liệu được đưa ra không thể thuyết phục một cộng đồng người dân ủng hộ thương mại toàn cầu khi họ đang chứng kiến hàng loạt những nhà máy đóng cửa và chuyển ra nước ngoài.

Ông nói: "Tôi cũng từng điều hành một doanh nghiệp, nguyên là một Thống đốc đã từng cố gắng giúp đỡ những công nhân dệt may và nội thất ở Virginia nhưng tôi phải thừa nhận rằng rất nhiều lập luận của những người ủng hộ thương mại không còn tính thuyết phục đối với hàng triệu người Mỹ".

"Chúng ta biết rằng lợi ích kinh tế của thương mại không được phân chia một cách đồng đều và những tác động mặt trái của thương mại thường rơi phần lớn vào những người sống và làm việc trong một cộng đồng phụ thuộc nặng nề vào một doanh nghiệp hay một ngành công nghiệp địa phương".

Theo ông Warner, Mỹ nên đầu tư nhiều hơn và làm tốt hơn cho việc đồng bộ hóa quá trình đào tạo tay nghề phù hợp với các công việc sẵn có trong một cộng đồng dân cư hoặc một khu vực nhất định.

Ông đề xuất mở cửa đổi mới một chương trình hỗ trợ hướng tới thương mại nhiều hơn, do những nỗ lực trước đây trong việc triển khai chương trình này không phải lúc nào cũng thành công và thường dẫn đến việc đào tạo những ngành nghề không còn phù hợp.

Cùng với sự minh bạch và tin cậy cần thiết, nước Mỹ cũng nên khuyến khích những người chủ doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo đem lại việc làm thực sự cho người dân. Điều này có thể là cơ hội thúc đẩy các sáng kiến đào tạo công nhân, trong đó có tiêu chí trả lương theo năng suất làm việc.

Ông Warner nhấn mạnh, Quốc hội Mỹ cũng nên xem xét việc gắn liền các điều luật trong TPP với việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Cải thiện đường sá, mạng lưới đường sắt, hải cảng, sân bay có liên quan trực tiếp đến thương mại, nó cho phép vận chuyển các sản phẩm hàng hóa hiệu quả hơn và sự cải thiện cơ sở hạ tầng cũng giúp hàng chục nghìn người có việc làm ngay lập tức.

Theo ông, bất chấp sự ra đi của Anh, thương mại quốc tế vẫn vô cùng quan trọng đối với vai trò lãnh đạo và sức mạnh kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, những mặt trái của thương mại quốc tế cũng cần phải được thảo luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục