Vận tải hành khách công cộng của Cần Thơ quá yếu kém

21:23' - 02/03/2018
BNEWS Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Cần Thơ hiện nay được xem là yếu kém nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí thua cả các tỉnh lân cận.

Đó là nhận xét của ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại cuộc họp diễn ra ngày 2/3 thông qua “Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn đến 2020 và định hướng sau 2020”.

Theo ông Dũng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Cần Thơ hiện nay được xem là yếu kém nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí thua cả các tỉnh lân cận. Các xe buýt đang hoạt động đều đã rất cũ kỹ, gần hết niên hạn sử dụng, không có kinh phí sửa chữa.

Bên cạnh đó, do không được trợ giá, chưa có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nên hoạt động này ở thành phố Cần Thơ vẫn chưa thể phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, hiện địa phương này có 6 đơn vị đang khai thác trên 7 tuyến xe buýt cả nội và ngoại tỉnh với tổng số 82 phương tiện. Tổng số lượt xe hoạt động trung bình mỗi ngày khoảng 388 lượt trên chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223 km. Trong đó, Ban quản lý và điều hành Vận tải hành khách công cộng đang trực tiếp quản lý khai thác 34 xe, chiếm 41% tổng số phương tiện khai thác.

Nếu tính phạm vi hoạt động trong địa bàn Cần Thơ thì thành phố có 5 tuyến xe buýt nhưng hiện chỉ còn 4 tuyến đang hoạt động với tổng số 31 xe. Đây là con số quá ít ỏi so với nhu cầu về xe buýt công cộng của một thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Anh Dũng nhấn mạnh đề án xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Cần Thơ là một dự án cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển về giao thông của cả thành phố.

"Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng đối với vấn đề vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì chất lượng lại thua xa một tỉnh khác trong khu vực. Vì vậy, cần thống nhất, mau chóng triển khai đề án để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các đối tượng như học sinh, người có hoàn cảnh khó khăn… và xứng tầm với vai trò, vị trí của mình" – ông Đào Anh Dũng nói.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, doanh thu năm 2017 của Ban Quản lý điều hành Vận tải hành khách công cộng, đơn vị quản lý hoạt động xe buýt, chỉ đạt hơn 13,9 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2016. Sau khi trừ chi phí thì còn lỗ trên 315 triệu đồng. Nguyên nhân của sự giảm sút trên được cho là do số chuyến hoạt động cùng với lượng hành khách đều giảm so với năm trước.

Lãnh đạo ngành giao thông Cần Thơ cho biết, do hoạt động không có lãi, không có tiền trả lương nên trong năm 2017 đã phải cắt giảm 30 nhân viên thuộc Ban điều hành. Cùng với đó, từ tháng 6/2017, thời gian giữa mỗi chuyến cũng tăng lên 20 phút thay vì 15 phút như trước đây do số xe giảm.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ Lê Tiến Dũng, đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được thông qua thì đó sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư. Khi có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, từ đó chất lượng vận tải hành khách công cộng của Cần Thơ sẽ được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân./.

>> Tp. Hồ Chí Minh: Phát triển vận tải hành khách công cộng để giải bài toán giao thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục