Việt Nam - nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào

12:02' - 19/12/2017
BNEWS Tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã có trên 400 dự án được cấp phép tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong suốt 55 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ về chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng… quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực kinh tế, thương mại cũng đã có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, trong đó Lào liên tục đứng đầu danh sách các quốc gia nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất của Việt Nam, còn Việt Nam hiện cũng đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ ba tại Lào.

Thống kê của Bộ Kế hoạch, Đầu tư Lào cho thấy tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã có trên 400 dự án được cấp phép tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp, dịch vụ..., đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Nhìn chung, giới doanh nhân Việt Nam đang đầu tư tại Lào đều cho rằng nhờ quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, các công ty Việt Nam khi đầu tư vào "đất nước Triệu Voi" có khá nhiều lợi thế, không chỉ về luật pháp mà cả về tình cảm con người. Người dân Lào luôn nhìn nhận người Việt Nam như những người anh em rất thân thiện.

Đây là điểm thuận lợi hơn đối với Việt Nam so với các nước khác và cũng là chìa khóa để giúp những doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào môi trường đầu tư tại Lào.

Với diện tích rộng trên 236.000 km, dân số chưa tới 7 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 6,8%, Lào là thị trường đang phát triển có khá nhiều tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và năng lượng Mặt Trời. Không chỉ có diện tích đất đai lớn, khí hậu tại các vùng cao nguyên của Lào cũng tương tự như ở Lâm Đồng, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp.

Bên cạnh đó, con người Lào rất hiền hậu, thân thiện, đất nước Lào còn nhiều cảnh đẹp để khám phá và rất nhiều du khách đến Lào đều nói sẽ quay trở lại. Vì vậy, đây là thị trường du lịch đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Trong khi đó, dù được nhiều cấp lãnh đạo cũng như chính sách luật pháp hỗ trợ, song lĩnh vực năng lượng tái tạo của Lào hiện vẫn chưa phát triển và các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế để đầu tư vào lĩnh vực này tại Lào.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và luật pháp Lào vẫn chưa có sự đồng bộ, trong khi lực lượng lao động tại Lào không nhiều, trình độ còn hạn chế và văn hóa chưa cao khiến các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào gặp không ít khó khăn khi muốn phát triển những dự án xứng tầm. Về chủ quan, chính những doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự đi sâu tìm hiểu những tiềm năng có thể đầu tư tại Lào, cũng như những ưu đãi mà Chính phủ và luật pháp Lào quy định đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, để có thể tiến hành đầu tư hiệu quả tại Lào, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ phong tục tập quán, văn hoá, luật pháp tại Lào, cũng như nghiên cứu những tiềm năng sẵn có của Lào để lựa chọn hướng đầu tư phù hợp. Quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn để có thể tận dụng lợi thế và khắc phục những khó khăn nhằm đầu tư lâu dài, bền vững bởi môi trường đầu tư tại Lào không ủng hộ những doanh nghiệp muốn đầu tư có thu nhập nhanh.

Tại cuộc gặp và đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và kinh doanh tại Lào hồi tháng 10/2016, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào không nên nghĩ đến lợi ích ngắn hạn mà phải có chiến lược lâu dài để lựa chọn lĩnh vực đầu tư cụ thể, theo thế mạnh của mình nhằm mang lại lợi ích cho Lào và cho hai nước Việt Nam và Lào anh em.

Đây vừa là thông điệp nhắc nhở, vừa là lời khuyên sáng suốt cho mọi nhà đầu tư trước khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là thị trường nước ngoài, kể cả đó là thị trường có quan hệ đặc biệt như Lào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục