Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 2: Các văn bản hợp thành

18:20' - 08/05/2018
BNEWS Nội dung Chỉ thị số 49/CT nêu rõ đường dây 500 kV Bắc - Nam là một công trình trọng điểm cấp Nhà nước có quy mô lớn, phức tạp lần đầu tiên xây dựng ở nước ta.
Đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới. Ảnh: TTXVN

Sau khi toàn bộ thông tin cơ bản về Dự án xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đã được các cơ quan chức năng, trước hết là Bộ Năng lượng xử lý, báo cáo Hội đồng Bộ trưởng và đặc biệt được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 12/2/1992, thay mặt Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương đã ký một văn bản hết sức quan trọng nêu ý kiến chỉ đạo chính thức của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề lớn và phức tạp này.

Đó là Chỉ thị số 49/CT về việc xây dựng Đường dây 500 kV Bắc - Nam. Đây là văn bản đầu tiên của Hội đồng Bộ trưởng chính thức lựa chọn phương án II. Tuy còn khái lược, nhưng nó đã khẳng định quyết tâm triển khai dự án của Hội đồng Bộ trưởng và đặt ra những yêu cầu chung, tạo tiền đề cho việc triển khai nhiều công việc tiếp theo liên quan đến dự án.

Nội dung Chỉ thị nêu rõ đây là một công trình trọng điểm cấp nhà nước có quy mô lớn, phức tạp lần đầu tiên xây dựng ở nước ta.

Công trình đòi hỏi phải thi công với thời gian nhanh nhất (2 năm), nhưng vẫn đảm bảo chất lượng an toàn và hiệu quả cao, do vậy phải tập trung huy động nguồn lực của nhiều Bộ, ngành và địa phương trong cả nước vào cuộc.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị, ngày 18/2/1992 Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải nhanh chóng ký và ban hành Quyết định số 55/NL-TCCB-LĐ về việc thành lập Ban Chỉ huy xây dựng Đường dây tải điện Bắc - Nam 500kV. Cùng với việc thành lập Ban Chỉ huy Dự án, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã ban hành liên tiếp 2 văn bản liên quan đến Dự án.

Đó là Thông báo Kết luận số 38-NL/XDCB ngày 31/1/1992 về cuộc họp triển khai xây dựng Đường dây 500kV với mục tiêu hoàn thành đưa điện vào miền Nam cuối năm 1993, đầu năm 1994. Quyết định số 54-NL/TCCB-LĐ ngày 18/2/1992 về việc thành lập Ban Quản lý công trình xây dựng đường dây tải điện Bắc - Nam 500kV, Trưởng Ban là Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lê Liêm.

Triển khai dự án lớn, thời gian quá gấp gáp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai; trong đó có một văn bản đặc biệt quan trọng quyết định tới sự thành công của dự án. Đó là Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ban hành.

Ngày 29/3/1992 tại Hà Nội đã diễn ra một hội nghị lớn và rất quan trọng, được xem như một “hội nghị diên hồng” về việc xây dựng công trình thế kỷ của đất nước.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt họp với 15 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các Bộ, ngành trung ương có liên quan đến việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp và nhấn mạnh việc xây dựng các công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm và làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước.

Nâng công suất trạm 500kV Ô Môn. Ảnh: TTXVN

Từ Chính phủ đến ngành, các địa phương đều ủng hộ chủ trương làm Đường điện 500 kV Bắc - Nam. Và thời điểm lịch sử ấy đã đến, ngày 5/4/1992, Lễ khởi công trọng thể Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam đã được tổ chức đồng thời tại các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đắc Lăc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nêu rõ: Việc xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, đồng thời có tác dụng thúc đẩy việc tận dụng công suất các nhà máy điện và mỏ than ở miền Bắc.

Công trình là một đường tải điện lớn nhất nước ta từ trước tới nay, có kỹ thuật xây lắp, quản lý và vận hành hiện đại, có quy mô khối lượng xây lắp lớn với tổng chiều dài 1.462,5 km chạy dài qua 17 tỉnh và 16 con sông từ Bắc vào Nam. Đây cũng là công trình có tầm quan trọng và ý nghĩa rất to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Tiến sĩ Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã nhận định: “Việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho phát triển kinh tế, xã hội của miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ.

Đồng thời, đây còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế”./.

>>> Bài 3: Trước thềm “trận đánh lớn”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục