Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam - Bài 3: Điện đi trước một bước

15:37' - 03/05/2018
BNEWS Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, nhân dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Ngành Điện được tiếp thêm sinh khí mới, nguồn lực mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đã đặc biệt quan tâm phát triển ngành Điện theo phương châm: “Điện đi trước một bước”.

Đốt lò tổ máy 2 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: TTXVN

Đại hội đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về phát triển điện lực, vừa mang tính kế thừa, vừa có những nội dung mới phù hợp thực tiễn: “Phát triển sớm năng lượng, đón trước nhu cầu. Xúc tiến nghiên cứu để khai thác và sử dụng được nhiều dạng năng lượng. Về điện lực, phương hướng cơ bản là kết hợp thủy điện với nhiệt điện; hết sức coi trọng thủy điện, kết hợp quy mô lớn với quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng lưới điện cân đối với nguồn điện. Trong kế hoạch 5 năm này sẽ mở rộng một số nhà máy điện cũ và xây dựng một số nhà máy mới, chú trọng xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở trung du và miền núi, nhất là ở Tây Nguyên”.

Đại hội đã đặt ra phương hướng, mục tiêu đến năm 1980 phấn đấu sản lượng điện toàn quốc sẽ đạt 5 tỉ kWh.

Trước bậc thềm của thời kỳ đổi mới (từ năm 1975 đến 1985), một số nhà máy điện, cả nhiệt điện và thủy điện được tập trung đầu tư xây dựng mới, có công suất lớn và trung bình (Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình).

Đây là một trong những yếu tố góp phần từng bước đưa công suất nguồn điện miền Bắc “nổi trội” hơn so với miền Nam và miền Trung những năm sau này.

Nguyên nhân là cùng với những công trình mới xây dựng còn có những cơ sở sản xuất điện đã được chú ý xây dựng và củng cố, vận hành trong nhiều năm, nhất là trong thời kỳ chiến tranh và chủ yếu do có sự giúp đỡ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh việc khôi phục các nguồn điện có từ trước năm 1975, một số cơ sở sản xuất điện quan trọng được xây dựng trong những năm chiến tranh, đến giai đoạn này bắt đầu phát huy tác dụng, như Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (tiếp tục được mở rộng); các khu công nghiệp quan trọng được trang bị thêm các nguồn tại chỗ như lắp đặt tua bin khí chạy dầu cho An Lạc (Hải Phòng), chuyển một loạt máy phát điện chạy dầu điêzel từ miền Nam ra để bổ sung cho Hà Nội, Quảng Ninh và Nghệ An.

Trong 1 ca trực vận hành. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần vì miền Nam thân yêu khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật miền Bắc được điều động vào chi viện đã hoàn thành xuất sắc việc khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đảm bảo 34% công suất cho toàn miền và đóng góp thêm sản lượng 1.280 triệu kWh/năm từ cuối năm 1976.

 Mấy năm tiếp theo, bằng nguồn vốn của Pháp, ngành Điện đã xây dựng, mở rộng đường dây 230kV từ Cần Thơ về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn nâng cấp lưới truyền tải từ 15kV lên 66kV và tiếp đến là 110kV để phục vụ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, các nhà máy điện sau một thời gian vận hành trở lại bắt đầu gặp sự cố hỏng hóc, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp, thiếu thốn, trong khi các phụ tùng, trang thiết bị dự phòng không còn.

Việc nhập khẩu phụ tùng, trang thiết bị với nhiều nước không triển khai được do chính sách cấm vận của Mỹ. Thiếu dầu, thiếu vốn nên tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài trên phạm vi cả nước.

Các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đều nắm rõ tình hình ấy. Để khắc phục, ngày 15/6/1977 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 252-TTg về việc tăng cường nguồn điện và tiết kiệm điện.

Thủ tướng yêu cầu ngành Điện tích cực sửa chữa phục hồi các nguồn điện; triệt để tiết kiệm điện sinh hoạt; ưu tiên dành điện cho sản xuất công, nông nghiệp; đặc biệt quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc cung cấp, sử dụng, tiết kiệm điện trong nhân dân.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, ngày 1/8/1977, Bộ Điện và Than ra Thông tư hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 252-TTg, đề ra các giải pháp, biện pháp cơ bản thực hiện tiết kiệm điện, dành ưu tiên cho công nghiệp, nông nghiệp; đề ra cơ chế xử lý phạt đối với các trường hợp vi phạm, khen thưởng những đối tượng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị.

Tiếp đó, ngày 16/4/1978, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 241-TTg về việc triệt để tiết kiệm điện. Chỉ thị nêu rõ: Giảm tiêu dùng điện quá mức; bảo đảm đáp ứng các nhu cầu sản xuất và xây dựng; đưa công tác quản lý và phân phối sử dụng đi vào nền nếp; tuyên truyền, giải thích rộng rãi trong cán bộ, công nhân, xã viên và nhân dân.

Xây dựng và thực hiện nghiêm các định mức sử dụng điện. Mục tiêu trong năm 1978, ngành Điện phải giảm mức tiêu hao điện năng xuống bằng thời kỳ trước chiến tranh. Đồng thời giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xét duyệt và ban hành mức tiêu hao cho các ngành và áp dụng giá lũy tiến từ 150 - 300% đối với số điện sử dụng quá mức quy định.

Hơn hai tháng sau, ngày 14/6/1978, Bộ Điện và Than ra Thông tư số 20/ĐT/VP1 thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quy định mức sử dụng điện hàng tháng trong sinh hoạt của các khu dân cư.

Trong điều kiện nguồn điện thiếu trầm trọng, các Sở Quản lý và phân phối điện của các khu vực tiến hành xây dựng định mức cụ thể cho các hộ dân sử dụng điện, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất để ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm trong quá trình sử dụng điện của các hộ dân và các đơn vị./.

>>> Bài 4: Triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục