Xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

11:02' - 15/12/2015
BNEWS Điều đáng quan ngại là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của khối thanh tra, kiểm tra liên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm hay được gọi là “mỳ chính” trong chăn nuôi.

Việc loại bỏ được “mỳ chính” là điều khó nhưng không phải không làm được mà cần sự vào cuộc đồng bộ các cấp với mục tiêu kiểm soát chặt đầu vào từ nguồn cung ứng thức ăn chăn nuôi.

Các công ty có vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện trong quá trình kiểm tra đó là Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại Tín (Hải Dương)…

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, càng kiểm tra, tỷ lệ nhiễm chất cấm càng tăng.

Qua kiểm tra của Thanh tra Bộ phối hợp với các địa phương cho thấy, việc sử dụng chất cấm, đặc biệt là Salbutamol và Vàng-O có chiều hướng ngày gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ ở những địa bàn có thị trường tiêu thụ cao.

Điều đáng quan ngại là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Từ địa bàn của mình, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho rằng chất cấm không được trộn vào thức ăn chăn nuôi từ nhà máy mà có gói nhỏ để người chăn nuôi có thể tiện lợi phối trộn.

Ông Kiều Minh Lực, Giám đốc di truyền giống, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nhận định, nguyên nhân chủ quan do người chăn nuôi đưa vào trong thức ăn một cách vô tâm, chưa hiểu biết được đó là chất cấm, hoặc do chính người tiếp thị chất cấm chỉ tuyên truyền một mặt tác dụng, mà giấu đi mặt trái của chất cấm. Một bộ phận biết nhưng cố tình sử dụng do lợi nhuận mang lại cao.

Chất cấm được người chăn nuôi gọi là “mỳ chính”. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Kiều Minh Lực bày tỏ, nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó kiểm soát chất cấm vì họ độc lập với hệ thống sản xuất lớn. Nếu chăn nuôi nhỏ được liên kết vào những hệ thống, chuỗi sản xuất lớn thì có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Để người chăn nuôi có thể tham gia vào chuỗi đó và có kiểm soát, đầu tiên người chăn nuôi phải mua thức ăn ở công ty có uy tín, đảm bảo thức ăn không chứa chất cấm. Thứ hai là trong quá trình kiểm tra có sự hỗ trợ, hướng dẫn của quản lý Nhà nước.

“Nếu còn đơn lẻ một mình sản xuất, sản phẩm vẫn có thể tham gia được thị trường nhưng rất khó để kiểm soát được chất cấm. Người chăn nuôi nhỏ có thể liên kết thông qua các chuỗi hợp đồng. Hợp đồng là mắt xích, kết nối giữa các lĩnh vực trong sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng”. - ông Kiều Minh Lực cho hay.

Hiện cả nước đang triển khai đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi (1/11/2015 đến 28/2/2016).

Các ngành, các cấp sẽ kiểm tra 100% nhà máy, tổ hợp sản xuất thức ăn; các đại lý bán thức ăn và thuốc thú y; kiểm soát toàn bộ những người tham gia hệ thống chuỗi giết mổ cũng như vận chuyển gia súc, gia cầm; kiểm tra những vùng, trang trại, khu vực chăn nuôi có nguy cơ sẽ được tăng tần suất kiểm tra nhằm phát hiện sớm và khoanh vùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho rằng, bên cạnh việc thanh, kiểm tra 100% các đơn vị, tổ chức lấy mẫu thịt ở các điểm chợ thì giải pháp trước hết là tuyên truyền.

Cùng với việc các hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm, trên các phương tiên thông tin đại chúng, sở cũng đưa ra những  tác hại của chất cấm để bà con chăn nuôi nắm được./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục