Zara: Đằng sau quyết định nội địa hóa sản xuất tại Nga

06:30' - 19/05/2017
BNEWS Mới đây công ty Zara, thành viên tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha, đã ký hợp đồng với các công ty Nga để sản xuất quần áo và đồ dệt may gia dụng tại nước này.
Đằng sau quyết định nội địa hóa sản xuất tại Nga của Zara. Ảnh minh họa: Reuters

Chi tiết các bản hợp đồng được giữ kín, song theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Viktor Evtukhov, trong năm 2017 Zara có kế hoạch bán 1 triệu ruble tiền sản phẩm may mặc tại Nga và tiến tới mục tiêu tăng gấp đôi con số này.

Đây là sự kiện rất quan trọng đối với thị trường Nga. Với định vị thương hiệu trang phục giá phải chăng, chủng loại cập nhật liên tục, Zara sử dụng rất nhiều lợi thế như lượng đặt hàng vô cùng lớn, tiềm năng tài chính mạnh và lao động giá rẻ của thị trường bán lẻ Nga để đem đến cho khách hàng hàng hóa có mức giá và chất lượng tối ưu.

Tổng doanh thu bán hàng trên thị trường Nga của toàn bộ tập đoàn Inditex (gồm các mạng lưới bán lẻ Zara, Massimo Dutti, Bershka, Pull&Bear, Stradivarius v.v…) đạt 60 tỷ ruble trong năm 2015 – cao hơn bất kỳ một công ty nào khác trong lĩnh vực bán lẻ giày dép và quần áo. Với vị thế này, doanh thu 1 triệu ruble từ hàng nội địa hóa chỉ là giọt nước giữa biển khơi.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là một tập đoàn hùng mạnh, với ông chủ Inditex Amansio Ortega được tạp chí Forbes hai năm liên tiếp đánh giá là doanh nhân giàu có nhất trong các tỷ phú, liệu có thực sự cần kiếm tiền từ thị trường tiêu dùng Nga và ngành công nghiệp nhẹ còn kém phát triển của nước này?

Vì sao vấn đề nội địa hóa sản xuất trong lĩnh vực sản xuất ô tô được giới chức Nga giải quyết nhanh hơn hẳn lĩnh vực thời trang, nơi các nhà sản xuất địa phương rất khó để cạnh tranh? Vấn đề này chỉ trở nên khả thi khi đồng ruble mất giá, khiến giá sản xuất một số chủng loại quần áo và đồ dệt may gia dụng tại Nga cạnh tranh được với giá sản xuất tại các nước khác.

Song mãi đến năm 2016, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga mới bắt đầu tiến hành đàm phán với các công ty bán lẻ nước ngoài về việc chuyển sản xuất về các nhà máy của Nga.

Tập đoàn Inditex sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Zara, Massimo Dutti, Bershka, Pull&Bear, Stradivarius... Ảnh: Reuters

Inditex đã thúc đẩy đàm phán tích cực hơn sau khi vài tháng trước đây Cơ quan quản lý chất lượng hàng tiêu dùng Nga tiến hành kiểm tra ba dòng hàng trong các mạng lưới bán lẻ quần áo, và ở cả ba dòng hàng này của Zara đều phát hiện những vi phạm yêu cầu kỹ thuật theo quy chế của Liên minh Hải quan.

Sau đó bộ công thương tuyên bố “có kế hoạch thảo luận với quản lý của Zara về vấn đề nội địa hóa sản xuất tại Nga và đưa các đơn đặt hàng gia công về cho các doanh nghiệp Nga”.
Mọi chi tiết về thương vụ này cho đến nay vẫn chưa được công bố, cũng không có thông tin về doanh nghiệp Nga được chọn để gia công quần áo may sẵn hay các chủng loại hàng mà Zara dự định sản xuất tại Nga.

Theo Tổng giám đốc tập đoàn Fashion Consulting Group Anna Lebsak-Kleimans, chỉ có thể giả định rằng đó sẽ là những dòng sản phẩm không đòi hỏi phải thay đổi nguyên liệu và mẫu mã thường xuyên, ví dụ như sản phẩm tất.

Chắc chắn sản phẩm dệt may sản xuất tại Nga sẽ không có giá rẻ hơn sản phẩm may tại các thị trường như Đông Nam Á, song cái lợi chính của Zara ở thị trường này là con đường hậu cần rất ngắn để đưa ra bán tại thị trường Đông Âu, chứ không phải là tiết kiệm từ giá thành sản xuất.

Theo một số chuyên gia, xu hướng trên rất đáng để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam hoạt động tại thị trường Nga suy nghĩ về khả năng chuyển đổi sản xuất của mình. Cho tới nay, khoảng 30 doanh nghiệp may mặc Việt Nam tại địa bàn Moskva vẫn đang loay hoay tìm cách tiếp cận các đơn hàng gia công của các thương hiệu lớn.

Cơ hội này giúp các công ty Việt Nam vừa tránh được tính thời vụ trong sản xuất, vừa đảm bảo tăng doanh thu, và lớn hơn đó là nâng tầm doanh nghiệp từ các xưởng may nhỏ lẻ thành một doanh nghiệp-đối tác của mạng lưới bán lẻ, ví dụ như Lamoda, Wildberries v.v… và có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tiêu dùng rộng lớn của Nga.

>>> Dệt may, da giày Việt Nam trước thách thức gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục