Nhức nhối lao động hết hạn hợp đồng không về nước

09:25' - 04/10/2018
BNEWS Việc lao động ở lại quá thời hạn làm mất cơ hội của hàng trăm lao động khác. Vì vậy, tuân thủ quy định pháp luật là vấn đề mấu chốt để xuất khẩu lao động thực sự bền vững.

Những năm qua, xuất khẩu lao động đã trở thành con đường làm giàu chính đáng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng nhiều lao động, nhất là những lao động tại Hàn Quốc không về nước theo đúng hợp đồng cam kết. Điều này đã tác động không nhỏ đến bản thân người lao động và gây ra những hệ lụy tiêu cực khác cho xã hội.

Nhức nhối lao động vi phạm hợp đồng

Theo thông báo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2018 tỉnh Thái Bình có 7/8 huyện, thành phố có trên 30% lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài).

Đồng thời, Bộ cũng thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với người lao dộng ở 4 huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng vì có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trên 60 người/huyện. Đây không phải lần đầu tỉnh Thái Bình “lọt” vào danh sách một trong 12 tỉnh, thành phố của cả nước có số lao động hết hạn hợp đồng, không về nước.

Về xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư), điều dễ nhận thấy là cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Xuất khẩu lao động đã thực sự là “cứu cánh” của nhiều lao động ở vùng quê này. Chỉ tính riêng 2 năm 2017 - 2018, toàn xã đã có 240 lao động đi xuất khẩu tại 3 thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), trong đó Hàn Quốc là 80 lao động.

Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến cho biết, phần lớn lao động đi xuất khẩu lao động tại địa phương đều không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu; trong đó, nhức nhối nhất là tại thị trường lao động Hàn Quốc. Trên địa bàn xã có những trường hợp lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại Hàn Quốc đến nay đã 15 năm. Gần đây, nhiều lao động đi xuất khẩu lao động theo con đường môi giới với chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tương tự như xã Vũ Tiến, trung bình mỗi năm xã Song An (huyện Vũ Thư) có trên 30 lao động đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan theo nhiều hình thức khác nhau. Chủ yếu là các nam thanh niên độ tuổi từ 18 - 35 tuổi với các nghề cơ bản như điện tử, may mặc hoặc lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Minh Hiển, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xã Song An, huyện Vũ Thư cho biết, có tới 40 - 50% số lao động xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc không về nước theo đúng hợp đồng đã cam kết. Đây là vấn đề nan giải đối với địa phương trong nhiều năm qua.

Thống kê trong một vài năm trở lại đây, huyện Vũ Thư luôn là địa phương có số lượng lao động xuất khẩu lao động Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước cao nhất của tỉnh Thái Bình. Tính đến tháng 3/2018, huyện đã có 219 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Chính vì vậy, huyện này liên tục xếp vào danh sách phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động.

Lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp và trở thành những lao động “chui” tại Hàn Quốc, không được pháp luật nước sở tại bảo hộ về pháp luật. Họ phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh, thậm chí có người phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách. Mặt khác, chính họ cũng đã đóng lại "cánh cửa" xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc của nhiều lao động cùng địa phương.

Nhiều giải pháp nhưng chưa hiệu quả

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, tính đến tháng 7/2018, tỉnh có 713 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong năm 2017, có 90/223 lao động hết hạn hợp đồng, không về nước đúng thời hạn (chiếm 40,3%) và tỷ lệ này trong 7 tháng đầu năm 2018 là 69,9%.

Ông Phạm Quang Hòa, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, nhiều năm nay Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, việc lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

Đặc biệt, chính bản thân lao động cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: điều kiện lao động không được đảm bảo, không được pháp luật bảo hộ; không được nhận lại khoản tiền đã ký quỹ cam kết ban đầu với số tiền 100 triệu đồng tại các tổ chức ngân hàng.

Ngoài ra, bản thân lao động phải sống chui lủi, nếu bị cơ quan chức năng bắt sẽ bị phạt tiền lên tới 20 triệu Won, bị phía Hàn Quốc tạm giữ, trục xuất và cấm nhập cảnh vào nước này trong thời gian 5 năm, đồng thời bị phạt tiền 100 triệu đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mặc dù phải đối diện với nhiều nguy cơ nhưng lao động Việt Nam nói chung và lao động tỉnh Thái Bình nói riêng vẫn không về nước khi hết thời hạn hợp đồng.

Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các hội nghị tuyên truyền; vận động gia đình, người thân của lao động ở những huyện, xã có tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng cao hoặc đang bị xem xét tạm dừng; thông báo công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở danh sách những lao động hết hạn hợp đồng… Tuy nhiên, đến nay số lao động về nước đúng thời hạn vẫn còn rất hạn chế với khoảng 70 - 80 lao động về nước mỗi năm.

Thái Bình phấn đấu mỗi năm xuất khẩu trên 3.000 lao động, trong đó thị trường Hàn Quốc là 1.000 lao động. Nếu kéo dài tình trạng lao động tỉnh Thái Bình cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vô hình chung sẽ làm méo mó hình ảnh lao động Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng tại thị trường đầy tiềm năng này.

Đồng thời, việc lao động ở lại quá thời hạn cũng làm mất cơ hội của hàng trăm lao động khác có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc. Vì vậy, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật giữa hai nước của người lao động là vấn đề mấu chốt để xuất khẩu lao động thực sự là con đường bền vững, hiệu quả giúp người lao động nâng cao thu nhập, ổn định đời sống./.

>> Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói gì về việc lạm thu xuất khẩu lao động?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục