WTO trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu (Phần 2)

05:30' - 10/12/2018
BNEWS Chính sách ngoại giao đơn phương và đe dọa rút khỏi WTO mà Mỹ hiện áp dụng đã khiến nhiều nền kinh tế lớn phải tiến hành cải cách để vừa lòng Mỹ và cứu tổ chức này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

WTO được coi đại diện cho trật tự thế giới tự do mới, ít ra là trong lĩnh vực thương mại. Tổ chức này tự hào với một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đầy quyền lực có tên gọi là Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Cơ chế ràng buộc này được đánh giá là rào cản lớn chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế. Mặt khác, phạm vi bao trùm rộng lớn cũng như tác động của các quy tắc trong khuôn khổ của WTO đối với chính sách thương mại mỗi quốc gia cũng khiến nó trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Như khi xem xét giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến cáo buộc bán phá giá hay thuế chống bán phá giá, tất cả các quy định về an toàn thực phẩm, sức khỏe hoặc môi trường của các nước đều được coi là rào cản thương mại, với rất ít trường hợp ngoại lệ.

Những nỗ lực điều chỉnh các quy tắc thương mại toàn cầu đã đối mặt với sự phản đối chủ yếu từ phía Trung Quốc, các nước đang phát triển và mới nổi khác do những hoài nghi về mục tiêu tự do hoá toàn diện.

Thực tế, vào năm 1999, tại Hội nghị Seattle, các cuộc tranh cãi đã nổ ra về lập luận rằng thương mại không thể tách rời khỏi các vấn đề như bảo vệ môi trường và quyền lao động, WTO phải chịu trách nhiệm về cái giá phải trả xuất phát từ vấn đề tự do hóa thương mại.
Hai năm gần đây, trích dẫn sự bất đồng về các thủ tục và một số phán quyết của DSB, Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm thêm nhân sự vào Cơ quan Phúc thẩm Thương mại của WTO (Appellate Body) – nơi có thể hiểu là tòa phúc thẩm giải quyết các tranh chấp thương mại do các nước thành viên WTO đệ trình lên.

Cơ quan Phúc thẩm thường có 7 thành viên, nhưng hiện đã giảm xuống chỉ còn 3 người. Nếu từ giờ đến ngày 10/12/2018, thêm một vị trí nữa bị khuyết, hệ thống giải quyết tranh chấp sẽ ngừng hoạt động khiến những tranh chấp thương mại rơi vào tình trạng bế tắc.
Chính sách ngoại giao đơn phương và đe dọa rút khỏi WTO mà Mỹ hiện áp dụng đã khiến nhiều nền kinh tế lớn phải tiến hành cải cách để vừa lòng Mỹ và cứu tổ chức này.

Ngày 23/11, lãnh đạo các nền kinh tế tham gia Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã ra một tuyên bố kêu gọi các nền kinh tế APEC tích cực hoạt động trong khuôn khổ WTO nhằm đảm bảo môi trường tự do thương mại minh bạch và không có sự phân biệt đối xử.
Tuyên bố nêu rõ: "Nhằm cải thiện chức năng của WTO để phục vụ cho tất cả các thành viên, chúng tôi cam kết sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy công tác đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC tham gia tích cực hơn vào quá trình thúc đẩy những công việc của WTO".
Phát biểu tại một hội nghị thảo luận về phương thức “đại tu” WTO hồi cuối tháng 10, Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Carr cho biết: “Chúng tôi là một quốc gia tương đối nhỏ và các đối tác thương mại chính của chúng tôi lại khá lớn.

Các quy tắc là quan trọng bởi mỗi chúng ta đều xứng đáng nhận được sự bảo vệ cũng như cơ hội mà các quy tắc này tạo ra, thậm chí để cả nhà xuất khẩu nhỏ nhất ở nơi xa nhất trên thế giới có thể cạnh tranh và thành công”.
Nhiều ý kiến quan ngại rằng một khi quy trình giải quyết tranh chấp của WTO ngừng trệ, liệu trật tự thương mại toàn cầu sẽ sụp đổ? Trên thực tế, để tham gia sân chơi WTO, nhiều nước đã phải nhượng bộ thông qua việc giảm các loại thuế, không trợ giá xuất khẩu và những quy định này sẽ vẫn có hiệu lực kể cả khi cơ quan phúc thẩm tranh chấp không còn.
Tuy nhiên, nguy cơ thực sự ở đây là khi cơ quan phúc thẩm tranh chấp không hoạt động thì những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc có thể “bắt nạt” các nước nhỏ trong lĩnh vực thương mại, chưa kể đến cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ còn gây sóng gió cho cả thế giới trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục