​ Xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam

19:46' - 10/12/2019
BNEWS Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển của Pháp (IRD) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn Quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và Xây dựng hành động”.
Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu và Phát triển của Pháp (IRD) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn Quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và Xây dựng hành động”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng Mạng lưới theo dõi nhựa và sự xuất hiện của nhựa trong xã hội và môi trường" (COMPOSE) và dự án "Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển" (MARPLASTICCs).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Jake Brunner, quyền Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam, khẳng định: Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đã được phê duyệt là một bước tiến quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy, còn rất nhiều thách thức ở phía trước bởi ô nhiễm rác thải nhựa là thách thức liên quan đến sản xuất, tiêu dùng và quản lý rác thải cần phải được giải quyết tận gốc.
Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ các bên liên quan của dự án MARPLASTICCs hiểu rõ phương pháp xác định điểm nóng nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa; cung cấp cơ hội cho nhóm dự án và các bên liên quan tìm ra những điểm còn thiếu, nguồn thông tin cần bổ sung trong quá trình xác định điểm nỏng và xây dựng chiến lược giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Theo ông Alexis Progonl, Trưởng đại diện IRD Việt Nam, dự án COMPOSE hướng tới việc xây dựng một mạng lưới theo dõi sự dịch chuyển về mặt xã hội và môi trường của chất nhựa tại Việt Nam. Từ đó giúp cơ quan chức năng hiểu được sự vận động của chất nhựa cũng như thiết kế các chính sách công giảm thiểu phát thải nhựa phù hợp.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), IUCN bắt đầu thực hiện dự án MARPLASTICCs từ năm 2017. Dự án kéo dài 3 năm, được thực hiện ở 5 quốc gia  gồm: Nam Phi, Mozambique, Kenya, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó sử dụng cách tiếp cận vòng đời để hỗ trợ chuyển dịch toàn cầu từ mô hình sản xuất - tiêu dùng - vứt bỏ sang mô hình kinh tế nhựa tuần hoàn.
Tại Hội thảo, IUCN và các đối tác cũng đã trình bày phương pháp xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Các đại biểu giới thiệu kết quả ban đầu về điểm nóng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam; hoạt động quản lý chất thải sinh hoạt tại Hà Nội, Đà Nẵng; trình chiếu những bức ảnh về rác thải nhựa tại 28 tỉnh duyên hải Việt Nam…
Ngoài ra, các đại biểu tập trung thảo luận theo nhóm, trả lời những câu hỏi như những điểm nóng hiện tại đã đủ chi tiết chưa, làm thế nào để cải thiện dữ liệu về quản lý nước thải và chất thải rắn, làm thế nào để cải thiện dữ liệu đầu vào về nhựa trên thị trường, làm thế nào để cải thiện dữ liệu liên quan đến nguồn nhựa khác.../.

>>> Cha mẹ cùng con “sống xanh”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục