Xây dựng văn bản pháp luật: Lấy ý kiến đối tượng chịu tác động thế nào?

10:37' - 10/02/2019
BNEWS Năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp là triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm tính ổn định, khả thi của văn bản.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang về công tác Tư pháp và Thi hành án Dân sự tháng 1/2019. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật, bảo đảm tính ổn định, khả thi của văn bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tư pháp đặt ra trong năm 2019.
Đánh giá tác động còn hình thức, sơ sài
Thời gian qua, một số cảng lớn tồn đọng nhiều container hàng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Bắc.

Những tồn đọng này do việc thực hiện, áp dụng Thông tư 08/2018/TT-BTNMT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Thông tư 08 và Thông tư 09 được xây dựng nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo và đường hướng hạn chế nhập khẩu phế liệu; đáp ứng được việc hoàn thiện các quy định, quy chuẩn về nhập khẩu phế liệu theo hướng nghiêm khắc hơn để bảo vệ môi trường cho đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan đã vô tình sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các đơn vị ở địa phương...

“Từ thực tế này, chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cần thực hiện sâu sắc hơn, việc xử lý các vướng mắc, nhạy cảm về thay đổi các quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan”, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ rõ.
Theo các chuyên gia pháp lý, những vấn đề cấp thiết của đời sống, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết để hoàn thiện pháp luật, tránh các rủi ro lãng phí xảy ra.

Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung này ở một số đơn vị còn sơ sài, hình thức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, một số cơ quan soạn thảo luật chưa làm hết trách nhiệm, các tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành luật, báo cáo đánh giá tác động... hầu như không ký, không đóng dấu.

Điều này dẫn đến chính sách đưa ra không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ban hành văn bản trái luật chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định, do đó làm giảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường công tác tham vấn, lấy ý kiến
Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chuyên gia đề nghị cần tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời xử lý những cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật...
Chỉ ra cách thức lấy ý kiến như hiện tại có thể chưa bao quát được hết các đối tượng cần lấy ý kiến, tính đại diện còn chưa thực sự bảo đảm, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tham vấn ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, từ đó, dự báo các phản ứng cần thiết, năng lực tiếp nhận quy định mới của pháp luật.

Đồng thời, cần tập trung cải thiện tính dự báo của các quy định pháp luật; đề cao công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng chính sách.
Một điểm đáng lưu ý là quy định về các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng nhiều điểm chưa phù hợp.

Theo đó, trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định; trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Việc áp dụng thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật rút gọn đã đáp ứng được nhu cầu ngay và luôn của việc điều hành quản lý, song nó cũng đã làm mất đi cơ hội có ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đề nghị chính sách được đánh giá chưa được kỹ càng, thận trọng. Thực tế đã có không ít văn bản về điều kiện kinh doanh vừa được ban hành năm 2016 đã lại phải tiếp tục được đề xuất, sửa đổi năm 2018.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia kiến nghị, bỏ quy định “trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành”; đồng thời cân nhắc thiết kế quy định về thời hạn có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đủ dài để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết theo đúng trình tự.
Các chuyên gia nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục