10 sự kiện nổi bật của ngành hải quan năm 2017

16:43' - 03/01/2018
BNEWS Tổng cục Hải quan vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành hải quan năm 2017.
Ngành hải quan nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục Hải quan vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành hải quan năm 2017:

1. Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (gọi tắt là Đề án Giám sát)

Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã giao Cục Hải quan thành phố Hải Phòng chủ trì, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp xây dựng Đề án Giám sát với mục tiêu làm đơn giản, hài hòa, minh bạch thủ tục hải quan và thủ tục giao, nhận hàng tại khu vực cảng, kho, bãi giữa các bên liên quan, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi theo đúng tinh thần của Luật Hải quan. 

Thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ.

2. Tổng cục Hải quan ghi nhận “Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD trong giữa tháng 12/2017” với những cột mốc đáng nhớ như:

-Từ đầu năm đến ngày 3/7/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 200 tỷ USD.

-Đến ngày 25/9/2017 , tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 300 tỷ USD.

-Đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức kỷ lục 400 tỷ USD.

Nếu lấy tốc độ tăng bình quân giai đoạn tiếp theo bằng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2017 (khoảng 16% đối với xuất khẩu và 14% đối với nhập khẩu) thì dự kiến trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sẽ đạt 500 tỷ USD. 

3. Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

Từ ngày 01/01 đến 31/12/2017, số thu ngân sách nhà nước đạt 297.082 tỷ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 102,44% chỉ tiêu phấn đấu do Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% so với cùng kỳ 2016.

4. Triển khai Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7

Nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế và rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng xuống bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4 theo tinh thần Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thanh toán thuế điện tử. Theo đó, việc nộp tiền tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 36 ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan đã phát huy hiệu quả, với tỷ lệ thanh toán, nộp tiền điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, Kho bạc Nhà nước năm 2016 đạt 90% tổng thu ngân sác nhà nước của ngành hải quan.

Đến nay việc triển khai Đề án nộp thuế và thông quan 24/7 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định, số lượng giao dịch nộp tiền và số tiền thu được ngày một tăng cao, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với số lượng ngân hàng tham gia triển khai thí điểm là 11 ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng số lượng ngân hàng tham gia Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, để người nộp thuế có thể nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối internet, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng theo yêu cầu của Chính phủ.

5. Khai trương Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP)

Ngày 12/7/2017, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã bấm nút chính thức vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (VTIP).

VTIP không những sẽ đáp ứng một cam kết quan trọng trong Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại với WTO mà còn đóng vai trò là một công cụ hữu ích để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm hoặc tham gia các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh. Với hơn 2.000 trang nội dung, bao gồm các văn bản pháp quy, biện pháp, thủ tục và quy trình biểu mẫu liên quan tới xuất khẩu và nhập khẩu, VTIP đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Việc khai trương VTIP thể hiện vai trò và những nỗ lực đơn giản hóa, hiện đại hóa các thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan.

6. Hải quan Việt Nam chủ trì tổ chức thành công Cuộc họp nhóm Tiểu ban thủ tục Hải quan SCCP lần một bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ nhất (SOM1) và SCCP lần thứ hai bên lề SOM3 và một số các hoạt động liên quan chuỗi hoạt động của APEC 2017 diễn ra tại Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh

Năm APEC 2017, với chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã định hướng cho các Ủy ban, Nhóm, Tiểu ban chủ động xây dựng chương trình nghị sự và nội dung tập trung làm nổi bật các ưu tiên và mục tiêu Năm APEC 2017 về kết nối khu vực, hội nhập kinh tế và phát triển thương mại trong kỷ nguyên số. Tiểu ban Thủ tục Hải quan (SCCP) là một trong những Tiểu ban quan trọng thuộc Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) được kỳ vọng đưa ra nhiều sáng kiến góp phần đạt được Mục tiêu Bogor 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư.

7. Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan chính thức hoạt động vào tháng 3/2017, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục hành chính.

Thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử từ tháng 3/2017. 

Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử được xây dựng với mục tiêu cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. 

Ngoài việc kết nối hệ thống thông tin với Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử, các cơ quan liên quan có thể tra cứu thông tin bằng cách sử dụng tài khoản truy cập vào địa chỉ http://tkhqdt.customs.gov.vn hoặc nhắn tin vào số điện thoại 0869600633.

Tính đến hết 31/12/2017, Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan đã có 1,16 nghìn tài khoản đăng ký và có gần 90 nghìn lượt tra cứu thông tin tờ khai.

8. Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm

Năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không. Tổng cục Hải quan đã triển khai các giải pháp đấu tranh đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, toàn ngành đã lập được nhiều chiến công, thành tích trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Tính đến ngày 15/12/2017, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.184 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 789 tỷ 579 triệu đồng (tăng 89,58% so với cùng kỳ năm 2016). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 334 tỷ 800 triệu đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ. 

9. Ngày 15/11/2017, Tổng cục Hải quan triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không tại tất cả các cảng hàng không quốc tế trên cả nước theo Quyết định 43/2017/QĐ-TTg của Chính phủ.

Mô hình Cơ chế một cửa đường hàng không. Ảnh: Tổng cục Hải quan

Điểm mới quan trọng so với trước kia của Cơ chế một cửa đường hàng không là các hãng hàng không cung cấp các thông tin liên quan đến tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Sau đó Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ cập nhật, tự động chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không để kết nối tất cả các khâu liên quan. 

Bên cạnh đó, về phía cơ quan Hải quan còn thực hiện trao đổi thông tin với các doanh nghiệp kho, bãi hàng không phục vụ cho công tác quản lý giám sát hải quan. Khi các thông tin về tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được tiếp nhận và chia sẻ kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rút ngắn thời gian thông quan và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

10. Ngày 01/3/2017, Tổng cục Hải quan đã chính thức vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những công việc quan trọng đã và đang được ngành Hải quan triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đối với những thủ tục hải quan cốt lõi trong thông quan hàng hóa. Đến nay, 100% thủ tục hành chính cốt lõi trong lĩnh vực hải quan về thông quan hàng hóa đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Trong 11 tháng năm 2017, đã thực hiện thủ tục cho 10,08 triệu tờ khai của 77,35 nghìn doanh nghiệp qua hệ thống VNACCS/VCIS.

Để thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, từ ngày 01/3/2017, ngành Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử hải quan, qua đó tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 46 thủ tục hành chính. Từ khi triển khai đến ngày 31/12/2017, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận và xử lý hơn 73 nghìn bộ hồ sơ thủ tục hành chính với sự tham gia của gần 11,8 nghìn cá nhân, doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục