100 ngày “xây dựng lại nước Mỹ" - Bài 1: Bước khởi động nghị sự đối nội ấn tượng

20:29' - 29/04/2021
BNEWS "Nước Mỹ đang biến nguy cơ thành khả năng", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện, đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ phải đương đầu với 3 cuộc khủng hoảng, từ dịch bệnh, kinh tế tới sắc tộc; xã hội Mỹ bị chia rẽ và phân cực sâu sắc, trong khi vai trò của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế có phần bị lu mờ, Tổng thống Biden đặt mục tiêu “hàn gắn nước Mỹ” để từ đó đưa đất nước vượt qua giai đoạn thách thức chưa từng có này và "xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn". 

TTXVN giới thiệu hai bài viết về những ưu tiên đối nội và đối ngoại trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden, cũng như những thách thức phía trước trên con đường thực hiện mục tiêu đề ra.
Bài 1: Bước khởi động nghị sự đối nội ấn tượng
Bước chân vào Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có “những tháng trăng mật đầu tiên” như nhiều người tiền nhiệm.

Riêng trong lĩnh vực đối nội, ông phải nhanh chóng đưa ra chương trình nghị sự tổng thể nhằm chế ngự đại dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế, đại tu chính sách khí hậu và xem xét lại sức mạnh của các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, với những bước đi khá quyết liệt và táo bạo, vị tổng thống thứ 46 bước đầu đã xoa dịu được những lo âu về một nước Mỹ rối ren và bất ổn do tác động của đại dịch COVID-19 cũng như những chia rẽ sâu sắc trong xã hội sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1 vừa qua.

Có thể nói, 100 ngày đầu trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Biden đã thu được một số thành quả đối nội nổi bật.

Thắng lợi lớn đầu tiên của ông Biden là ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, còn được biết đến với tên gọi “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”.

Gói cứu trợ này bao gồm 400 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ, viện trợ 350 tỷ USD cho chính quyền các bang và địa phương, hỗ trợ những người thất nghiệp, mở rộng chăm sóc y tế công cộng và tăng thêm quỹ dành cho kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được đẩy nhanh trên toàn nước Mỹ.

Giới quan sát cho rằng gói cứu trợ khổng lồ này được kỳ vọng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong suốt cả năm với tốc độ dự kiến vượt quá 6%, cũng như thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ông John J. Pitney Jr., nhà khoa học chính trị tại Claremont McKenna College, đánh giá: “Rất ít tổng thống t

hông qua được bất cứ điều gì như gói cứu trợ” trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.
Sau gói hỗ trợ kinh tế, đến cuối tháng 3, Tổng thống Biden tiếp tục đề xuất kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD, chạm đến hầu như mọi ngõ ngách của đất nước và vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng.

Kế hoạch nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế hùng cường và công bằng, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với  mức lương cao cho tầng lớp trung lưu.

Chính quyền Mỹ đương nhiệm đang nỗ lực đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump về cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp.

Ông Biden đã đề xuất tăng tỷ lệ thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại, vốn được cựu Tổng thống Trump đặt ra sau khi cải cách luật thuế năm 2017.  

Song song với các biện pháp phục hồi nền kinh tế, chính quyền ông Biden ưu tiên tập trung giải quyết đại dịch COVID-19 và nỗ lực đó đã mang lại kết quả khả quan. Trong vòng chưa đầy 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Mỹ đã hoàn thành tiêm 200 triệu liều vaccine cho người dân, cao gấp đôi so với mục tiêu ban đầu.

Đây được đánh giá là thành tích đáng kinh ngạc đối với quốc gia phải chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Nỗ lực tiêm chủng trong 3 tháng đầu nhiệm kỳ chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người cao tuổi và nhân viên y tế, tuy nhiên điều này đã thay đổi.

Tính tới ngày 22/4, khoảng  80% người dân trên 65 tuổi tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và tất cả người dân trên 16 tuổi hiện đã đủ điều kiện để được tiêm vaccine.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 42% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó gần 30% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Với nỗ lực đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine cũng như quá trình tiêm phòng cho người dân, số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã giảm đáng kể.

Tiến triển này cho phép người dân Mỹ có thể trở lại cuộc sống bình thường vào cuối năm nay như mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, những bước đi mà ông Biden thực hiện để thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 rất đáng ghi nhận.

Ông hối thúc các nhà sản xuất để tăng sản xuất vaccine, cung cấp hỗ trợ liên bang cho các trang web tiêm phòng đại trà và đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận với vaccine trong vòng 8,5km.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà quản lý tiêm chủng của Mỹ  Claire Hannan, đánh giá: “Ông Biden đã làm rất tốt công việc của mình. Điều đầu tiên ông ấy làm khi nhậm chức là đặt ra một chủ trương và mục tiêu, và điều quan trọng là phải có một tiêu chuẩn.”

Một dấu ấn phải kể tới là việc Tổng thống Biden thúc đẩy Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật về siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất và được cho là không có hồi kết tại quốc gia này.

Về di trú, chính quyền mới đã công bố dự luật nhập cư năm 2021, theo đó quy định lộ trình trở thành công dân Mỹ giảm từ 13 năm xuống còn 8 năm, có kế hoạch đoàn tụ hơn 600 trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ hay thúc đẩy việc giám sát các sáng kiến về bình đẳng chủng tộc, tối đa hóa nguồn lực cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng trong các cấp của chính quyền.

Trước tình trạng dòng người di cư tới khu vực biên giới phía Nam của Mỹ đang gia tăng nhanh chóng, mới đây nhất Washington đã tuyên bố tăng cường viện trợ phát triển cho các nước Trung Mỹ nhằm giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây ra làn sóng di cư.

Ông Biden cũng đã thực hiện được một số cam kết về vấn đề nhập cư, như xây dựng dự luật cải cách nhập cư toàn diện để trình lên quốc hội trong vòng 100 ngày đầu tiên cầm quyền; chấm dứt hạn chế đi lại đối với người dân từ một số quốc gia đa số theo đạo Hồi; hủy bỏ yêu cầu của chính quyền tiền nhiệm về việc mở rộng tiêu chí trục xuất người nhập cư và quay trở lại nguyên tắc thời cựu Tổng thống Barack Obama là ưu tiên trục xuất những người nhập cư gây rủi ro cho an ninh quốc gia, an ninh biên giới hay sức khỏe cộng đồng; dừng cung cấp ngân sách và hoạt động xây dựng bức tường biên giới; hủy bỏ quy định tính phí dịch vụ công cộng của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm không khuyến khích người nhập cư sử dụng các lợi ích công cộng; khôi phục nguyên tắc thời ông Obama về việc trục xuất những người nước ngoài bị coi là gây đe dọa tới an ninh quốc gia hoặc những người đã phạm tội ngoài tội nhập cư bất hợp pháp.

Đối với cuộc khủng hoảng về phân biệt chủng tộc, ông Biden trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử lên án "quyền tối cao của người da trắng" trong bài phát biểu nhậm chức.

Gói kích thích kinh tế của chính quyền mới cũng bao gồm các khoản  hỗ trợ các cộng đồng da màu bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19, tài trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và ưu tiên cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ do người thiểu số làm chủ.

Mới đây nhất, Tổng thống Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng  thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn gia tăng gần đây tại Mỹ.

Trước đó, trong tuần đầu tiên tại nhiệm, ông Biden đã ký một bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung nhằm vào người Mỹ gốc Á cũng như người dân các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ.

Những động thái của chính quyền mới thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số và phần nào làm dịu bớt cơn giận dữ chia rẽ ở trong nước cũng như thu hẹp bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Các chuyên gia cho rằng những gì Tổng thống Biden đã làm là “không tệ” khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng với quy mô như hiện nay cũng như sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại quốc hội.

Ông John Frendreis, nhà khoa học chính trị từ Đại học Loyola, Chicago, cho biết: “Tôi nghĩ rằng có ba thành tựu nổi bật cho đến nay của chính quyền đó chính là tốc độ phân phối vaccine ngừa COVID-19 tăng lên nhanh chóng, việc thông qua kế hoạch giải cứu nước Mỹ và đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

Mặc dù tạo được những dấu ấn ban đầu, song chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn nhiều "bài toán khó" như khôi phục nền kinh tế, hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ và đặc biệt là vấn đề người di cư.

Đây là vấn đề mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của đảng Cộng hòa, luôn cho rằng những chính sách của chính quyền mới đã tạo ra cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới miền Nam.

Tháng 3 vừa qua, hơn 172.000 người nhập cư không có giấy tờ, bao gồm gần 19.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm, đã bị giam giữ, tăng 71% trong một tháng và là mức cao nhất trong 15 năm qua.

Việc tiêm chủng cho số dân còn lại của Mỹ cũng là thách thức lớn. Có những dấu hiệu cho thấy số lượng tiêm chủng hằng ngày đang chậm lại và một số người cho biết họ không muốn tiêm phòng nữa.

Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế của Đại học Johns Hopkins, đánh giá:  “Những thách thức phía trước bao gồm việc tiếp tục điều chỉnh nỗ lực tiêm chủng để có được 20% số người tiếp theo được tiêm. Và cuối cùng chúng ta cũng sẽ cần tiêm phòng cho trẻ em. Chúng ta sẽ phải tiếp tục điều chỉnh nỗ lực của mình cho các nhóm dân số khác nhau".

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về quy mô và thời gian của kế hoạch "giải cứu nước Mỹ". Không ít ý kiến cho rằng nó đã được thông qua muộn và “có nguy cơ làm nền kinh tế phát triển quá nóng”.

Cam kết của Tổng thống Biden về cắt giảm khí phát thải cũng sẽ gặp khó khăn vì nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và các tập đoàn năng lượng Mỹ cho rằng kế hoạch mới của Washington không hữu ích, gây tổn hại cho nền kinh tế khi làm tăng giá nhiên liệu.

Qua 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, kết quả 3 cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ người Mỹ trưởng thành hài lòng với hiệu quả điều hành của ông Biden dao động 52-58%, cao hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump trong toàn bộ nhiệm kỳ.

Ông Biden nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trong cách thức đối phó với đại dịch COVID-19, với 64-69% ý kiến hài lòng. 

Để so sánh, một tổng thống khác của đảng Dân chủ là ông Obama đã giành được 60% tỷ lệ tán thành trong nửa năm đầu tiên, còn người tiền nhiệm của ông Obama là George W. Bush giành được 53,9%.

Đánh giá tổng thể, các chuyên gia đồng ý rằng chưa có một tổng thống nào vượt qua được thành tích 100 ngày cầm quyền đầu tiên của cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người đã ký ban hành 15 đạo luật lớn để đại tu nền kinh tế và ứng phó với cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước.

Nhưng Tổng thống Biden được coi là một trong những người kế nhiệm có màn khởi động ấn tượng, như nhận định của nhà khoa học chính trị của Đại học Missouri-Kansas City Skidmore: “Ông Biden được đánh giá cao hơn so với các tổng thống khác, trừ Tổng thống Franklin Roosevelt”./.       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục