18.400 người cần phải di dời do ảnh hưởng của sạt lở

18:36' - 06/09/2018
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, tổng chiều dài các đoạn có nguy cơ sạt lở trên địa bàn là gần 155.000m với 2.613 căn nhà và 18.408 nhân khẩu cần phải di dời.
Tổng chiều dài các đoạn có nguy cơ sạt lở trên địa bàn là gần 155.000m với 2.613 căn nhà và 18.408 nhân khẩu cần phải di dời. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN

Tại cuộc họp nghe báo cáo kế hoạch bố trí di dời các hộ dân sống ven sông rạch và kế hoạch phòng chống sạt lở trên địa bàn do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 6/9, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, tổng chiều dài các đoạn có nguy cơ sạt lở trên địa bàn là gần 155.000m với 2.613 căn nhà và 18.408 nhân khẩu cần phải di dời.

Theo ông Hè, hiện Cần Thơ có hệ thống sông, kênh, rạch gồm gần 60 km dọc sông Hậu, trên 17 km sông Cần Thơ và các sông chính như Bình Thủy, Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Sắn…

Tổng chiều dài hệ thống sông chính và các kênh trục, kênh cấp I khoảng 960 km, hệ thống kênh cấp II có chiều dài khoảng 800 km, kênh cấp III khoảng 1.000 km. Nếu tính từ kênh cấp II trở lên thì hệ thống sông rạch trên địa bàn Cần Thơ có chiều dài trên 1.837 km (tính cả hai bờ là 3.674 km).

Trên các tuyến sông này, người dân thường xuyên xây dựng lấn chiếm lòng sông, gây khó khăn cho phòng, chống sạt lở.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, hầu hết những điểm sạt lở chết người, sạt lở nguy hiểm ở Cần Thơ trong những năm gần đây xảy ra chủ yếu ở những nơi có mật độ dân cư đông.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố nhận định, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp, đặc biệt là các kênh rạch có mật độ giao thông đường thủy qua lại lớn.

Để phòng, chống sạt lở, giai đoạn từ năm 2018 - 2020 Cần Thơ sẽ đầu tư xây dựng các công trình kè kiên cố, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định.

Cụ thể, trong năm nay và các năm tiếp theo thành phố sẽ đầu tư xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ ở 8 quận, huyện (trừ huyện Vĩnh Thạnh) với tổng chiều dài gần 22.000 m. Tổng mức đầu tư cho các công trình này là gần 2.450 tỷ đồng và số hộ dân cần phải di dời trên 1.000 hộ.

Theo mục tiêu bố trí dân cư dân cư của thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống cho gần 9.400 hộ dân với trên 37.000 nhân khẩu. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 bố trí ổn định hơn 5.300 hộ dân.

Ngoài các dự án trên, ông Hè cho biết hiện Cần Thơ đang tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí cho địa phương để thực hiện hai dự án kè chống sạt lở từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-20120.

Đó là hai dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn với tổng chiều dài 3.470 m; trong đó, đoạn khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn dài 1.570 m với kinh phí 198 tỷ đồng và đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích dài 1.900 m, kinh phí 223 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà và 43 căn bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, với tổng chiều dài gần 600 m, thiệt hại hơn 33 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp các quận, huyện cập nhật, hoàn thiện lại các nội dung báo cáo; trong đó, tính toán lại các điểm di dời tái định cư cho người dân, đảm bảo thiết thực, khả thi và không lãng phí. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu thêm các biện pháp hỗ trợ cho người dân.

“Việc quan trọng là người dân đồng thuận trong việc di dời và có các điều kiện thuận lợi nhất khi đến chỗ ở mới”, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, mục tiêu của Cần Thơ đến năm 2030 sẽ không còn nhà sàn trên sông vì nhiều vấn đề như an toàn, hành lang giao thông, vệ sinh môi trường…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục