Kiên Giang: Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp

09:47' - 13/08/2018
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, dân sinh kinh tế.
Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn diễn biến phức tạp. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tại những bờ sông thuộc huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành và thành phố Rạch Giá, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công trình, đời sống nhân dân.

Tổng chiều dài sạt lở bờ sông hơn 195 km; trong đó, khoảng 25 km sạt lở nguy hiểm. Ước tính tổng kinh phí để đối phó, khắc phục tình trạng sạt lở này là hơn 300 tỷ đồng.
Do tác động của sóng biển Tây, dòng chảy ven bờ, quá trình biến đổi khí hậu và những nguyên nhân khác nên một số đoạn bờ biển xảy ra xói lở, với tổng chiều dài hơn 64 km, chiếm gần 1/3 bờ biển của tỉnh Kiên Giang; trong đó, hơn 31 km xói lở đặc biệt nguy hiểm, trên 11 km xói lở nguy hiểm.

Ước tỉnh tổng kinh phí để thực hiện giải pháp đối phó, khắc phục tình trạng xói lở bờ biển hơn 1.060 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, sự xâm thực của biển thời gian gần đây có xu hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp.

Trường hợp không tìm được giải pháp để phòng, chống xói lở bờ biển, những tác động xấu ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Một số đoạn bờ biển trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương, tình trạng xói lở cũng xảy nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều đối với tuyến đê biển phía trong, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến diện tích đất sản xuất và đời sống nhân dân.
Hiện phần lớn chiều dài bờ biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa được đầu tư xây dựng công trình bảo vệ. Do đó, hiện tượng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh: “Tỉnh xác định việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển ở những khu vực bị xói lở là cần thiết và cấp bách để bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, cơ sở hạ tầng và dân cư ven biển.

Xây dựng các công trình phá sóng biển để gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn, tạo sinh kế cho người dân ven biển. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, ngoài khả năng của địa phương và tỉnh đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí thực hiện giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn.”
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Trung ương có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình bảo vệ khoảng 16,5 km bờ biển bị xói lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn huyện An Minh, An Biên và Hòn Đất, với tổng kinh phí khoảng 302 tỷ đồng; trong đó, 172 tỷ đồng hỗ xây dựng công trình bảo vệ bờ biển, đoạn Tiểu Dừa - Chủ Vàng (An Minh) sạt lở nghiêm trọng dài 10 km; 50 tỷ đồng xử lý sạt lở cấp bách bờ biển kku vực Mũi Rãnh (An Biên) dài 2,5 km; 80 tỷ đồng xử lý đoạn sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm dài 4 km tại xã Bình Giang (Hòn Đất)./.
Xem thêm:

>>Kiên Giang: Quốc lộ 61 có nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng

>>Các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với vùng áp thấp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục