20 công ty năng lượng tại Anh có thể phá sản trong tháng tới

08:52' - 22/10/2021
BNEWS Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã khiến thị trường năng lượng bán lẻ của Anh căng thẳng và tiến gần hơn tới bờ vực sụp đổ. 

Giám đốc điều hành (CEO) của công ty điện Scottish Power, ông Keith Anderson, ngày 21/10 cảnh báo thị trường năng lượng của Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc “thảm sát” khi ít nhất 20 nhà cung cấp điện có thể phá sản chỉ tính riêng trong tháng tới, trừ khi Chính phủ Anh xem xét lại giới hạn giá năng lượng của mình.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Anderson nói rằng thị trường năng lượng Anh sẽ bắt đầu thấy một số doanh nghiệp hoạt động tương đối tốt, ổn định về mặt thương mại và tài chính phải phá sản vì họ không thể chuyển mức tăng giá sản phẩm sang cho khách hàng.

Ông cho rằng có một rủi ro đáng kể khi thị trường năng lượng này thu hẹp lại chỉ còn từ năm đến sáu công ty lớn. Theo dữ liệu của cơ quan quản lý năng lượng Anh Ofgem, sáu công ty năng lượng lớn nhất nước này bao gồm British Gas, E.ON, OVO Energy, EDF Energy, Scottish Power và Octopus kiểm soát hơn 75% thị trường cung cấp khí đốt trong nước.

Khoảng 13 nhà cung cấp điện của Anh đã sụp đổ trong những tháng gần đây, buộc hơn hai triệu khách hàng ở nước này phải chuyển đổi nhà cung cấp. Trước cuộc khủng hoảng, có hơn 50 nhà cung cấp năng lượng độc lập vừa và nhỏ ở Anh với khoảng gần 30% thị phần.

Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã khiến thị trường năng lượng bán lẻ của Anh căng thẳng và tiến gần hơn tới bờ vực sụp đổ. Diễn biến đó đặt ra câu hỏi về chính sách năng lượng đã kéo dài gần 30 năm từ thời cựu Thủ tướng Margaret Thatcher.

Theo chính sách đó, chi phí năng lượng được xác định giới hạn theo mức thuế mặc định của các nhà cung cấp và mức phí này được xem xét hai lần một năm.

Ông Anderson cho biết cơ quan quản lý Ofgem và Chính phủ Anh nên cân nhắc việc thay đổi giới hạn sớm hơn so với mốc thời gian theo kế hoạch là vào tháng 4/2022 để các nhà cung cấp có thể chống chịu qua giai đoạn chi phí năng lượng của tăng đột biến sớm hơn.

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng đột biến trong năm nay do các nền kinh tế mở cửa trở lại sau giai đoạn đóng cửa phòng dịch COVID-19, dẫn tới nhu cầu năng lượng khá lớn. Trong khi đó, nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại châu Á tăng cao đã đẩy nguồn cung của châu Âu sụt giảm, gây ra “sóng gió” cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng tại đây./.

>>Khủng hoảng năng lượng và những hệ lụy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục