Khủng hoảng năng lượng và những hệ lụy

20:00' - 19/10/2021
BNEWS Sự lo lắng và bất an về nguồn cung năng lượng dường như đang bao trùm khắp các châu lục, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang đẩy giá khí đốt tự nhiên và giá than cao kỷ lục.

Người tiêu dùng Mỹ đang phải trả nhiều tiền nhất cho 1 gallon xăng kể từ năm 2014, trong khi người dân châu Âu phải trả gấp 5 lần cho chi phí khí đốt và người dân châu Á đối mặt với hóa đơn tiền điện cao gấp nhiều lần. Nước Anh đang chuẩn bị trải qua điều mà báo chí sở tại ví von là một "mùa Đông giận dữ", trước nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt và xăng dầu.

Sự lo lắng và bất an về nguồn cung năng lượng dường như đang bao trùm khắp các châu lục, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang đẩy giá khí đốt tự nhiên và giá than cao kỷ lục, giá dầu thô cũng vượt ngưỡng 80 USD/thùng.

Mức giá kỷ lục mà các nhà cung cấp ở châu Âu đang phải trả và sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt trên khắp châu lục đã làm dấy lên sự lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu mùa Đông sắp tới chỉ cần lạnh hơn một chút. Sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế sau đại dịch đang giảm sút khi các hộ gia đình đối mặt với hóa đơn đắt đỏ hơn, trong khi một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng bắt đầu sản xuất chậm lại.

Khủng hoảng nguồn cung

Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc đang lan ra khắp các châu lục, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau một thời gian phong tỏa kéo dài. Nhu cầu dầu mỏ tăng cao, trong khi đầu tư hạn chế khiến khả năng khai thác yếu và dự trữ ở ngưỡng thấp. Diễn biến này có thể làm tiêu tan những kỳ vọng về giảm lượng phát thải khí CO2 tại các nền kinh tế lớn.

Nhu cầu năng lượng của châu Âu - phụ thuộc rất lớn vào khí đốt - chiếm tới 1/4 tổng nhu cầu về năng lượng của thế giới. Lượng khí đốt lưu kho ở “Lục địa già” hiện ở mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Công ty tư vấn năng lượng Rystad dự báo chỉ riêng việc chuyển từ khí đốt sang dầu để sản xuất điện và sưởi ấm có thể làm tăng nhu cầu dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong mùa Đông này.

Trong khi đó, Trung Quốc, với 2/3 tổng sản lượng điện được sản xuất từ than nhiệt, đang đối mặt với vấn đề tương tự. Nhiều nhà máy phát điện hoặc phải giảm số ca làm việc hoặc ngừng sản xuất. Chính quyền nhiều địa phương phải lên lịch phân phối điện, thậm chí tắt đèn đường để tiết kiệm điện.

Giá dầu và khí đốt tự nhiên hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi giá than đang ở ngưỡng kỷ lục tại Anh, châu Âu và Trung Quốc. Giá dầu đã vượt ngưỡng 81 USD/thùng, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tại cuộc họp ngày 4/10 thông báo sẽ tiếp tục thực hiện chính sách sản lượng hiện tại, tức là duy trì mức tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4/2022 theo thỏa thuận đạt được trước đó.

Các nước thành viên OPEC đang sản xuất thấp hơn hạn ngạch cho phép. Với những kinh nghiệm trong quá khứ, OPEC sẽ thận trọng trước các quyết định của mình, bất chấp những sức ép về mặt chính trị.

Nếu liên minh dầu mỏ này tiếp tục trì hoãn đẩy nhanh kế hoạch nâng sản lượng, thị trường sẽ tiếp tục trong tình trạng thâm hụt và giá “vàng đen” được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất cho đến sau cuộc họp chính sách tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/11 tới.

Không loại trừ khả năng giá dầu thô thế giới có thể chạm mức 100 USD/thùng như dự báo của Bank of America Global Research hồi tháng trước, nếu nhiệt độ lạnh hơn dự kiến ở khu vực Bắc Bán cầu trong mùa Đông năm nay.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trải rộng trên nhiều khu vực đã khiến các quốc gia đang phải tranh giành nguồn cung khí đốt và quay trở lại với than đá để duy trì hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm, đồng thời giữ cho các nhà máy không phải ngừng sản xuất.

"Trở về" với than đá - giải pháp bất đắc dĩ

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, thế giới có lẽ lại cần đến than đá - nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất trên thế giới hơn bao giờ hết. Không chỉ đối với châu Âu, nơi giá khí đốt liên tục tăng cao, mà ở cả châu Á, nơi nhập khẩu đến 80% sản lượng than của thế giới.

Hai nước nhập khẩu than lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Bất chấp tham vọng về môi trường, Trung Quốc đã không thể quay lưng lại với than đá và buộc phải sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này để tránh bị cắt điện.

Cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhu cầu than đá khổng lồ từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi nguồn cung than trong ngắn hạn bị gián đoạn và thiếu đầu tư trong dài hạn đã góp phần khiến giá liên tục tăng cao. Các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư thêm vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch này, bởi cả thế giới đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí CO2.

Nếu như năm 2020, giá than đã từng giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/tấn tại cảng Newcastle của Australia và luôn chỉ dao động quanh mức giá này suốt thời gian qua, thì nhiên liệu hóa thạch này mới đây đã vượt ngưỡng 200 USD/tấn để đạt kỷ lục mới.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay bùng phát trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra Glasgow, Vương quốc Anh, vào tháng tới. 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải hiện đang có mức tăng hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử, do nhu cầu sử dụng than cao đáng kể. IEA ước tính lượng khí thải CO2 trong năm nay sẽ tăng gần 5% lên mức 33 tỷ tấn, cao hơn 60% so với mức tăng của tất cả các loại năng lượng tái tạo khác gộp lại.

Đi tìm căn nguyên khủng hoảng

Sự bùng nổ của dầu khí đá phiến Mỹ đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, khiến ngành năng lượng toàn cầu phải tìm cách hạn chế sản lượng nhiên liệu hóa thạch để giữ giá ở mức cao.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Thoạt nhìn thì dường như những biểu hiện của tình trạng này dường như không liên quan đến nhau. Nước Anh đang trải qua trình trạng rối loạn do thiếu tài xế xe tải để chở xăng, dầu và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. 

Việc cắt điện ở các vùng của Trung Quốc xuất phát một phần từ nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải của nước này. Lượng than dự trữ tại các nhà máy điện ở Ấn Độ ngày càng giảm có liên quan đến việc giá nhập khẩu mặt hàng này tăng vọt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng là sự sụt giảm đầu tư vào các giếng dầu, mỏ khí đốt tự nhiên và mỏ than. Đây là hệ quả của giai đoạn các nước đầu tư quá mức vào khai thác dầu mỏ, khiến nguồn cung năng lượng luôn dồi dào, và cung vượt cầu khiến giá dầu mỏ đi xuống. 

Tình hình giờ đây đang diễn biến theo chiều ngược lại và các nước sản xuất dầu mỏ có xu hướng kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ hơn. Cùng với đó là những áp lực ngày càng tăng đối với yêu cầu cắt giảm khí thải carbon cũng là nguyên nhân.

Dầu mỏ là một ngành công nghiệp cần tái đầu tư liên tục để duy trì. Các công ty dầu mỏ phải phân bổ khoảng 4/5 chi tiêu vốn mỗi năm chỉ để ngăn trữ lượng mỏ dầu giảm. 

Tuy nhiên, theo công ty thương mại đa quốc gia Thụy Sỹ Trafigura, vốn đầu tư hàng năm của ngành công nghiệp này đã giảm từ mức 750 tỷ USD trong năm 2014, thời điểm giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng, xuống ước khoảng 350 tỷ USD trong năm nay.

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã tạm thời làm "ẩn" đi một cuộc khủng hoảng nguồn cung tiềm tàng trong năm ngoái, khi nhu cầu dầu mỏ giảm sút trong bối cảnh các nhà máy giảm công suất hoạt động và nhu cầu nhiên liệu giảm trước các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này đã dần "lộ" rõ khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi.

Khi nhu cầu tăng mạnh và giá cao hơn, ngành công nghiệp dầu mỏ thường phản ứng bằng cách tăng cường đầu tư khai thác. Tuy vậy, vào thời điểm nhiều quốc gia đã đưa ra những mục tiêu cắt giảm khí thải carbon tham vọng, thì đầu tư vào ngành dầu mỏ khó tăng mạnh.

Dẫn dữ liệu về chi tiêu vốn của 250 nhà sản xuất hàng hóa nguyên liệu lớn nhất thế giới vào năm 2022 so với năm 2019, tạp chí The Economist (Anh) cho hay trái ngược với lĩnh vực khai khoáng và nông nghiệp, đầu tư vào năng lượng dự kiến sẽ giảm thêm 9%.

Ngoài ra, khi giá dầu phục hồi, ưu tiên của các chính phủ không phải là mở rộng năng lực sản xuất dầu mà là củng cố ngân sách quốc gia. Hơn nữa, các tập đoàn dầu mỏ cũng đi những bước khá thận trọng khi họ lo ngại về một đợt bùng phát COVID-19 mới có thể lại một lần nữa tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ.

Nguy cơ làm "chệch đà" tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Một kỷ nguyên dồi dào nguồn cung năng lượng dường như sắp kết thúc và thế giới đang đối mặt với nguy cơ giá năng lượng tăng phi mã.

Sự gia tăng đột biến của giá năng lượng trong thời gian gần đây được cho là hệ quả tiêu biểu của những vấn đề do sự gián đoạn nguồn cung dần ảnh hưởng xấu đến tổng cầu, nhất là nếu ngân hàng trung ương các nước buộc phải hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát.

Các chính phủ, đặc biệt là chính phủ các nước châu Âu, đã cam kết hành động để hạn chế tác động đến tài chính của các gia đình. Một số nước châu Âu đang xem xét việc điều chỉnh lại thị trường năng lượng ở châu lục này, trong khi Ủy ban châu Âu thảo luận việc chuẩn bị một văn bản quy định chi tiết cho phép các quốc gia thành viên áp dụng để giảm hóa đơn năng lượng cho hộ gia đình.

Một nguy cơ lạm phát đình trệ (hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao) đang hiện hữu khi chi phí năng lượng tăng mạnh cùng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã dẫn đến rủi ro lạm phát, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này đang đe dọa sẽ làm "trật bánh" tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn có lẽ là sự gia tăng giá cả có thể làm giảm thu nhập thực tế, đồng thời tạo ra một vòng xoáy giá cả-tiền lương và một thời kỳ lạm phát đình trệ. Đây thực sự là "cơn ác mộng" mà không ngân hàng trung ương nào muốn trải qua.

Có thể thấy, các nước vẫn đang dựa nhiều vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để giữ cho các ngọn đèn vẫn chiếu sáng, hệ thống sưởi được bật trong mùa Đông lạnh giá và các nhà máy duy trì sản xuất.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm “lộ rõ” một số thách thức cấu trúc ngắn hạn đối với nguồn cung năng lượng và giá cả.

Xét về dài hạn, khủng hoảng năng lượng cũng có thể coi là một tín hiệu khuyến khích việc tiến tới sản xuất ra nhiều năng lượng tái tạo hơn cũng như mở rộng khả năng lưu trữ năng lượng tái tạo. Những biến động trên có thể giúp đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và rẻ hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục