2019 là năm nóng kỷ lục của các đại dương

07:56' - 15/01/2020
BNEWS Theo các nhà khoa học, năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử của các đại dương trên thế giới.
Khói bốc lên từ một cơ sở lọc dầu tại Fort McMurray, Canada. Ảnh: AFP/ TTXVN  

Ngày 14/1, các nhà khoa học khẳng định năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử của các đại dương trên thế giới, trong bối cảnh khí thải do con người tạo ra đã khiến biển ấm lên với tốc độ nhanh chưa từng thấy, dẫn đến những tác động thảm khốc với khí hậu Trái Đất.

Đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa do khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra, do đó việc tính xem nhiệt độ đại dương tăng lên bao nhiêu trong những năm gần đây sẽ giúp các nhà khoa học tính toán chính xác hơn mức độ ấm lên của toàn cầu.

Một nhóm các chuyên gia trên khắp thế giới đã xem xét dữ liệu của Viện Vật lý khí quyển (IAP) để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng đại dương ấm lên ở độ sâu tới 2.000 m trong vài thập kỷ qua.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử và tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và hệ sinh thái biển bị hủy hoại. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ của đại dương vào năm ngoái cao hơn 0,075 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010.

Điều này đồng nghĩa với việc Trái Đất đã hấp thụ 228 Zetta Joules năng lượng trong những thập kỷ gần đây.

Trưởng nhóm nghiên cứu Cheng Lijing, Phó Giáo sư Trung tâm Khí hậu và khoa học môi trường quốc tế của IAP, đánh giá lượng nhiệt mà con người đã thải ra đại dương trong 25 năm qua tương đương với 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima. Nghiên cứu nhấn mạnh 5 năm vừa qua chính là giai đoạn nóng nhất của đại dương.

Năm 2019, đại dương đã hấp thụ nhiều hơn 25 Zetta Joule năng lượng so với năm 2018. Giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống Trái Đất của bang Pennsylvania, ông Michael Mann nêu rõ con số trên tương đương với việc tất cả mọi người trên hành tinh cùng chạy 100 máy sấy tóc và 100 lò vi sóng liên tục trong cả năm.

Chỉ với việc tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu đã khiến Trái Đất phải trải qua hàng loạt thảm họa như hạn hán, siêu bão, lũ lụt, cháy rừng.

Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa các thảm họa liên quan đến khí hậu như cháy rừng trong nhiều tháng tại Australia, với tình trạng các đại dương ấm lên. Biển ấm lên đồng nghĩa với việc sẽ là tăng hiện tượng bốc hơi, dẫn đến nhiều mưa.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến khí quyển đòi hỏi bốc hơi nhiều hơn. Tình trạng này sẽ dẫn đến khô hạn tại các lục địa, nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng từ Amazon cho tới Bắc Cực, bang California của Mỹ và Australia.

Đặc biệt, tình trạng đại dương nóng lên cũng đang lan rộng, dẫn đến mực nước biển dâng. Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng vào cuối thế kỷ này, hàng chục triệu người có thể phải di dời khỏi các vùng ven biển do tình trạng xâm thực.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, do đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn hẳn so với khí quyển, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ tiếp tục ấm lên kể cả khi con người có thể giảm khí thải theo mục tiêu của Hiệp định Paris.

Theo nghiên cứu, nếu con người có thể ngừng khiến Trái Đất ấm lên, các đại dương vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ nhiệt trong nhiều thế kỷ trước khi có thể ổn định trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục