Trái Đất khó tránh khỏi thảm họa môi trường do nhiệt độ tiếp tục tăng

13:26' - 23/09/2019
BNEWS Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015- 2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ Co so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900.
Người dân tránh nóng tại vòi phun nước ở Melbourne, Australia, ngày 24/1/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Thế giới đang bị "rớt đằng sau" trong cuộc chạy đua cứu vãn Trái Đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên, với giai đoạn từ năm 2015-2019 dự báo là giai đoạn nắng nóng chưa từng có. 

Cảnh báo trên đã được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 22/9, một ngày trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của LHQ tại thành phố New York, Mỹ. 

Trong báo cáo, nhóm cố vấn khoa học cho hội nghị thượng đỉnh khí hậu của LHQ nhấn mạnh thế giới cần gấp rút triển khai hành động cụ thể nhằm ngăn chặn sự ấm lên của Trái Đất cũng như hạn chế những tác động nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. 

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015- 2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ Co so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015. 

Như vậy, 4 năm qua là thời kỳ nắng nóng nhất trên thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ năm 1850. 

Báo cáo mới nhất cho thấy mức độ gia tăng về khoảng cách giữa những gì được yêu cầu thực hiện và thực tế đang diễn ra. Thay vì giảm, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) lại tăng 2% vào năm 2018 và lên mức kỷ lục 37 tỷ tấn. 

Năm ngoái, mật độ CO2 trong không khí tính trung bình toàn cầu là 407,8 phần triệu (ppm), tăng 2,2 ppm so với năm 2017 và dự kiến có thể chạm hoặc vượt 410 ppm vào năm 2019. Trong khi đó, lần gần đây nhất chỉ số trên ở mức khoảng 400 ppm là cách đây tới 3-5 triệu năm. 

Vào thời điểm đó, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất ấm hơn từ 2-3 độ C, các núi băng ở cả hai đầu cực đều tan chảy và mực nước biển dâng cao hơn từ 10-20 mét. 

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng Trái Đất ấm lên. Ví dụ, diện tích biển băng Bắc Cực trong mùa Hè đã giảm với tốc độ 12% trong mỗi thập kỷ trong 40 năm qua. Trong khi đó, tốc độ sông băng ở Nam Cực tan chảy trong giai đoạn 2015-2019 cũng ở mức cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây. 

Theo báo cáo, các hình thái thời tiết cực đoan trong giai đoạn 2015-2019 đang ảnh hưởng tới toàn bộ các châu lục và liên tiếp xác lập các kỷ lục mới về nền nhiệt tăng cao.

Ví dụ, trong mùa Hè này với tháng 7 được ghi nhận là tháng nóng kỷ lục, nhiều vụ cháy rừng với mức độ nghiêm trọng chưa từng có đã xảy ra ở phương Bắc. Các vụ cháy rừng trong tháng 6 này đã thải ra 50 triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển. 

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất này của LHQ cảnh báo rằng thậm chí toàn bộ các nước trên thế giới đạt được mục tiêu đặt ra thì nhiệt độ của Trái Đất sẽ vẫn tăng từ 2,9 - 3,4 độ C.

Do vậy, để duy trì nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C, các nước cần tăng gấp 3 các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C. Báo cáo khẳng định, về mặt kỹ thuật, những tham vọng này là có thể thực hiện được./.

>>> Biến đổi khí hậu: Kêu gọi đầu tư 1.800 tỷ USD vào 5 lĩnh vực chủ chốt để giảm bớt tác động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục