2023 có thể là năm tăng trưởng yếu nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ

14:29' - 15/01/2024
BNEWS Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AFP, một nhóm 10 chuyên gia dự đoán GDP của Trung Quốc tăng 5,2% trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1990, không tính thời kỳ đại dịch COVID-19.

Kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua vào năm 2023, do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động tiêu dùng yếu và những bất ổn trên toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AFP, một nhóm 10 chuyên gia dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2% trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1990, không tính thời kỳ đại dịch COVID-19.

Mức tăng trưởng nói trên thể hiện sự tăng tốc so với mức 3% trong năm 2022, thời điểm hoạt động kinh doanh bị kìm hãm do các biện pháp hạn chế để phòng dịch.

 

Sau khi dỡ bỏ các biện pháp này, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023. Ban đầu, sự quay trở lại cuộc sống bình thường đã tạo đà phục hồi vào đầu năm, nhưng sự phục hồi này đã sớm mất đà, khi sự thiếu niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp đã phủ bóng lên hoạt động tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cũng bào mòn động lực tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi không đồng đều, dịch vụ là lĩnh vực được hưởng lợi, khi người tiêu dùng quay trở lại các nhà hàng và các điểm du lịch. Nhưng mức chi tiêu vẫn thấp hơn so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Một điểm sáng hiếm hoi khác của kinh tế Trung Quốc là lĩnh vực ô tô vốn nhận được trợ cấp của nhà nước. Làn sóng điện khí hóa đã “chống lưng” cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, như BYD, công ty đã “hạ bệ” gã khổng lồ Tesla khỏi vị trí nhà sản xuất ô tô điện bán chạy nhất thế giới trong quý IV năm ngoái.

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác lại đang gặp khó, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp vốn đang suy yếu do nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước. Xuất khẩu của Trung Quốc, lâu nay vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng của nước này, đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 trong năm ngoái.

Sự sụt giảm này một phần là do những căng thẳng địa chính trị với Mỹ và các nỗ lực giảm sự phụ thuộc và Trung Quốc hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nước phương Tây.

Ông Teeuwe Mevissen, một chuyên gia phân tích của ngân hàng Rabobank, cảnh báo những thách thức này sẽ tiếp tục trong năm 2024. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại ở mức 4,5% trong năm nay, trong khi các chuyên gia trong khảo sát của hãng tin AFP đưa ra mức dự báo trung bình là 4,7%. Trung Quốc dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng mới vào tháng Ba tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục