25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ: Biến điều không thể thành có thể

08:32' - 16/07/2020
BNEWS Sau 25 năm, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

 

Ngày 15/7, hội thảo "Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và hậu quả chiến tranh: 25 năm sau bình thường hóa" đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tân Stimson, thủ đô Washington D.C. với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cùng nhiều giới chức, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và học giả của cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng nỗ lực vượt qua quá khứ của chiến tranh, cấm vận và khoảng thời gian 19 năm gián đoạn để xây dựng mối quan hệ đối tác cùng có lợi và hướng tới tương lai.

Sau 25 năm, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên cùng tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm, vốn luôn bị coi là rào cản trong quan hệ, cùng vì một lợi ích là phát triển.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Washington D.C., phát biểu tại buổi hội thảo, Thượng nghị sĩ Patrich Leahy - một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng nhất ở phía Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhấn mạnh những bước tiến lớn đạt được trong quan hệ hai nước trong 25 năm qua và cho rằng đây là điều mà không ai có thể dự đoán cũng như hình dung được.

Ông Leahy khẳng định chiến tranh là thảm họa đối với cả hai nước và hậu quả bi thảm của nó vẫn tiếp tục tồn tại trong 45 năm qua.

Tuy nhiên với sự đóng góp của những người như Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Bobby Muller và các cựu chiến binh Việt Nam khác trong quá trình hòa giải đã giúp hai nước đạt được sự tiến bộ như ngày hôm nay.

Hoa Kỳ không bao giờ quên sự hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh, chính vì vậy Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thực hiện một dự án kéo dài 5 năm, bắt đầu từ năm 2020, để giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích với sự tham gia của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAD) và Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Điều này có ý nghĩa lớn không chỉ với các gia đình có người thân bị mất tích mà có ý nghĩa đối với cả hai chính phủ và tạo ra sự khác biệt.

Ngoài ra, ông Leahy cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hàng ngàn nạn nhân khuyết tật ở Việt Nam do hậu quả của bom mìn và các vật liệu chưa nổ còn sót lại trong chiến tranh và làm sạch các vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin như dự án sân bay Biên Hòa.

Theo Thượng nghị sĩ Leahy, trong thời gian tới, điều quan trọng không chỉ là nghĩ về kết quả hai bên đã đạt được trong thời gian qua mà là làm thế nào để thế hệ tiếp theo của cả hai nước, những người sinh ra không phải trong thời kỳ chiến tranh, tiếp tục phát triển những gì hai bên đạt được mà còn hợp tác để giải quyết những thách thức đáng quan ngại như biến đổi khí hậu, nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng, cạnh tranh về nguồn lực khan hiếm và các mối đe dọa đối với hòa bình.

Tại hội thảo, Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định hiếm thấy trong quan hệ giữa hai quốc gia nào mà vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh lại có vai trò quan trọng, đồng thời đóng góp hết sức có ý nghĩa đối với tiến trình bình thường hóa, cải thiện quan hệ và xây dựng lòng tin như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đại sứ Việt Nam cho rằng cuộc chiến tranh khắc nghiệt với những hậu quả nặng nề tưởng chừng mãi mãi chia rẽ hai dân tộc, thì lại chính là chất keo gắn kết người Việt Nam và người Hoa Kỳ.

Điều quyết định vẫn là ở quyết tâm của cả hai bên gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; ở tinh thần trách nhiệm, đạo lý, lòng trắc ẩn, sự cảm thông sâu sắc với những nỗi đau và sự mất mát mà mỗi bên gánh chịu do cuộc chiến, đã giúp hai bên vượt qua giới hạn của bản thân mình và đến với phía bên kia bằng thiện chí, sự bao dung, tình hữu nghị và sự hợp tác chân thành.

Đại sứ Hà Kim Ngọc điểm lại những thành quả đạt được trên nhiều lĩnh vực: từ hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, được triển khá sớm sau khi chiến tranh kết thúc, đặt đặt nền móng cho quá trình bình thường hóa sau này, cho đến việc  Hoa Kỳ giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, rồi tẩy độc sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa; tháo gỡ bom mìn còn sót lại; và gần đây nhất, hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. 

Những nỗ lực to lớn và không ngừng nghỉ của Chính quyền, Quốc hội, các tổ chức phi chính phủ và người dân hai nước đã và đang làm lành những vết thương của chiến tranh.

Đại sứ Hà Kim Ngọc thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, cùng các cựu Thượng nghị sĩ John Kerry, cố Thượng nghị sĩ John McCain và những người khác, đã đi tiên phong trong quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ hai nước nói chung và hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói riêng, cũng như những người bạn Mỹ và các tổ chức đã giúp biến những điều không thể thành có thể.

Tại hội thảo, một số đại biểu như cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink hay Đại tá Lê Đình Vũ, Văn phòng Ban chỉ đạo 701, cũng chia sẻ đánh giá về kết quả hợp tác đạt được trong vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh và vai trò của vấn đề này đối với mối quan hệ của hai nước, cũng như các lĩnh vực khác trong 25 năm qua và triển vọng hợp tác và phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, một số nội dung khác như vai trò của các di sản chiến tranh trong mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam và tiến trình khắc phục hậu quả chiến tranh từ trước đến nay qua góc nhìn của Việt Nam ; góc nhìn của Hoa Kỳ về vai trò của các di sản chiến tranh trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam; những thách thức trong khắc phục hậu quả bom mìn và công việc của Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam đã và đang thực hiện ở Quảng Trị; vấn đề chất độc da cam/dioxin và cung cấp những thông tin về vai trò lịch sử và tầm quan trọng của vấn đề này trong mối quan hệ song phương… cũng được các đại biểu thảo luận tại hội thảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục