26 ngân hàng thông qua kế hoạch tái cơ cấu nợ tự nguyện của Marelli Holdings

08:58' - 09/03/2022
BNEWS Các chủ nợ của Marelli Holdings đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu nợ tự nguyện nhằm duy trì hoạt động của một trong những công ty sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới này.

Toàn bộ 26 ngân hàng đã thông qua kế hoạch giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại cuộc họp đầu tiên kể từ khi Marelli, công ty thuộc sở hữu của quỹ đầu tư KKR, nộp đơn đề nghị vào tuần trước.

Marelli ra đời năm 2019 sau khi KKR sáp nhập Calsonic Kansei và Magneti Marelli, các nhà cung cấp chính cho Nissan Motor và Stellantis.

 

Kế hoạch ADR có thể giúp Marelli, với những khó khăn do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch, có thể tiếp tục hoạt động như bình thường trong khi đàm phán tái cơ cấu nợ.

Kế hoạch ADR cần có sự thông qua của tất cả các chủ nợ của Marelli. Một số nhà quan sát trước đó cho rằng quá trình này sẽ phức tạp hơn, khi các ngân hàng Trung Quốc và các nước khác phản đối.

Các ngân hàng có thể ký vào kế hoạch để tránh những lựa chọn khó khăn hơn như phá sản, khiến các hoạt động có thể bị gián đoạn.

Kế hoạch trên kêu gọi bán cổ phiếu của Tokyo Radiator Manufacturing, công ty mà Marelli nắm giữ 40,1% cổ phần. Marelli sẽ cân nhắc việc cắt giảm các hoạt động kinh doanh khác như sản xuất phụ tùng động cơ xăng, khi ngành công nghiệp ô tô chuyển hướng sang xe điện.

Marelli được cho là đang nợ ngân hàng tài trợ chính là Mizuho Bank khoảng 360 tỷ yen (3,13 tỷ USD). Các chủ nợ khác là Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, cùng với các ngân hàng khu vực và ngân hàng nước ngoài./.

>>>JPMorgan thăm dò ý kiến các nhà đầu tư về khả năng loại nợ Nga khỏi các chỉ số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục