3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm trong tuần qua

11:40' - 24/04/2021
BNEWS Tính chung cả tuần, Dow Jones hạ 0,5%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,1% và 0,3 so với tuần trước. 

Khép lại phiên cuối tuần, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall đều đi lên nhờ các số liệu tích cực về hoạt động kinh tế và doanh số bán nhà mới ở Mỹ, tuy nhiên, đà tăng của phiên 23/4 không bù đắp cho kết quả giảm tính chung cả tuần giao dịch đầy biến động này. 

Phiên đầu tuần 19/4, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống do hoạt động chốt lời sau khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 kết thúc tuần trước ở các mức cao kỷ lục.

Đà giảm điểm kéo dài sang phiên tiếp theo (20/4) khi giá cổ phiếu sụt giảm giữa những lo ngại về việc định giá và sự lan rộng của đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến các thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Sang đến phiên 21/4, các chỉ số lấy lại đà tăng sau hai phiên giảm trước đó, với hầu hết các lĩnh vực đều có một phiên giao dịch sôi động, khi các chuyên gia nhận định diễn biến thị trường sụt giảm trong những phiên trước là tín hiệu để các nhà đầu tư mua vào.

Tuy nhiên, chốt phiên 22/4, các chỉ số đều giảm điểm đáng kể, dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này thấp hơn dự kiến. Thị trường ngập trong sắc đỏ sau khi Bloomberg News và một số hãng khác đưa tin Tổng thống Joe Biden dự định đề xuất nâng thuế lợi tức vốn (capital-gains tax) từ 20% lên 39,6% đối với những cá nhân có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 23/4, tâm lý nhà đầu tư hồi phục nhờ hàng loạt báo cáo lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp lớn và các số liệu cho thấy thể trạng nền kinh tế "khỏe mạnh" của Mỹ.

Khép lại phiên 23/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 34.043,49 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến thêm 1,1% lên 4.180,17 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,4% và đóng cửa phiên ở mức 14.016,81 điểm.

Dù vậy, tính chung cả tuần, Dow Jones hạ 0,5%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,1% và 0,3 so với tuần trước.

Liên quan đến đề xuất tăng thuế đối với tầng lớp giàu nhất của Mỹ, các chuyên gia nhận định kế hoạch này phù hợp với những cam kết khi vận động tranh cử của ông Biden song tỷ lệ tăng thuế có khả năng bị thu hẹp trong các cuộc đàm phán tại Quốc hội nước này.

Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone, nhận xét rằng con số 39,6% không hề gây bất ngờ nhưng diễn biến thực tế cho thấy thị trường tài chính hiện nay "nhạy cảm" hơn với tin xấu và đây là giai đoạn dễ biến động.

Nhà phân tích chiến lược thị trường David Joy của công ty Ameriprise Financial, cũng nhận thấy giá cổ phiếu đang phục hồi sau khi thị trường phản ứng bất ngờ trước thông tin Nhà Trắng sẽ đề xuất tăng thuế trong khi Tổng thống Biden đã đề cập đến vấn đề này khi đang vận động tranh cử.

Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp về châu Mỹ tại OANDA, ông Edward Moya chỉ ra yếu tố góp phần tiếp sức cho đà tăng của thị trường chứng khoán là các số liệu tích cực về kinh tế Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà mới trong tháng Ba (đã điều chỉnh theo mùa tăng) đạt 1,021 triệu căn - tăng 20,7% so với tháng trước đó.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Markit trong lĩnh vực sản xuất đã tăng từ 59,1 điểm của tháng Ba lên mức kỷ lục 60,5 trong tháng Tư. Trong khi đó, PMI của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng từ 60,4 điểm lên 63,1. Ngưỡng 50 điểm phân định một nền kinh tế đang tăng trưởng hay suy giảm. Chỉ số PMI của IHS Markit được xem là một chỉ dẫn uy tín về "sức khỏe kinh tế".

Nhìn chung lợi nhuận các doanh nghiệp báo cáo sớm đều vượt kỳ vọng, theo số liệu của IBES Refinitiv, lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp dự kiến tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ron Temple, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Mỹ tại Lazard Asset Management, cho biết nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 50 năm, với mức tăng hơn 6% trong cả năm nay và năm tới. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cho phép nền kinh tế tăng tốc nhanh hơn trước đây, thúc đẩy thêm triển vọng tăng trưởng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục