3 vấn đề trong số hóa quy trình nghiệp vụ ngành tài chính

14:41' - 20/09/2024
BNEWS Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Ngày 20/9, Cục Tin học và Thống kê Tài chính phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024 (VDF 2024) với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số”.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết: Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong số đó, tập trung vào 3 vấn đề chính là: thể chế, công nghệ và con người, mà thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, việc tổ chức Hội thảo - Triển lãm VDF 2024 với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số” khẳng định sự quyết tâm của ngành tài chính trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thông tin về kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) tại Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Đoàn Thanh Tùng cho hay, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Trong số đó có 101 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trong năm 2024 là 4.039 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 16/8/2024, hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý hơn 9,6 tỷ hóa đơn. Về hoạt động khai thuế điện tử, tính đến ngày 30/6/2024, đã có 932.509 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 933.274 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,99%.

Để triển khai mục tiêu “3 không” (không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy) tại Kho bạc, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân sách nhà nước và Kho bạc. Theo đó, đã giảm chi bằng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm mạnh. Số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chỉ còn chiếm khoảng 0,069%. Bộ đã điện tử hóa 100% công tác thu ngân sách nhà nước thông qua việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, tận dụng mạng lưới của ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ thu nộp ngân sách qua kênh điện tử 24/7.

Về lĩnh vực hải quan, đang thực hiện kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu của 100% thủ tục hành chính đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa...

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện, kinh phí triển khai ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 cho các đơn vị trong ngành tài chính chưa được giao nên chưa có cơ sở để triển khai.

Ngoài ra, chuyển đổi số ngành tài chính còn phải đối mặt với những cuộc tấn công ransomware (một loại phần mềm độc hại có mục đích tống tiền người dùng bằng cách xâm nhập vào máy tính và thao túng dữ liệu của nạn nhân) trên không gian mạng làm lộ lọt thông tin, gian lận tài chính và các cuộc tấn công có chủ đích với chiều hướng gia tăng.

Tại hội thảo, các đại cũng đề xuất các giải pháp nhằm hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng ngày càng cao hơn. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện để lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét đưa ra quyết định chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực tài chính nói riêng, từ đó đề xuất ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành tài chính.

Trong khuôn khổ VDF-2024, Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển lãm một số kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn và đặc biệt là các công nghệ bảo mật dữ liệu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục