30 năm thu hút FDI: Nhìn lại để đi tiếp

10:06' - 02/09/2018
BNEWS Đã trải qua hơn 30 năm thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (1987 - 2017), nhìn lại quá trình này cùng với đó là những thách thức của giai đoạn tới, có nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Đó là các bài học thành công và thất bại của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là gì, cách nào để nhân rộng thành công và khắc phục các thất bại đó ? Đây là những câu hỏi tất yếu. Việt Nam sẽ đi tiếp với FDI  thế nào, cần có giải pháp mới gì khắc phục được các tồn tại hiện nay để giai đoạn tới thu hút FDI hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Trong thực tế có nhiều yếu tố tác động đến kết quả đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam thời gian qua nhưng bài viết này tập trung trao đổi về ba yếu tố. Đó là CHÍNH SÁCH; BỘ MÁY QUẢN LÝ & HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ;  NHÂN SỰ/CON NGƯỜI  CỦA BỘ MÁY QUẢN LÝ đối với FDI  mà theo nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu về FDI là các yếu tố then chốt quyết định thành công hoặc dẫn đến thất bại của FDI.

Xin trao đổi về từng yếu tố này gắn với thành công và tồn tại của FDI 30 năm qua để thấy rõ hơn ảnh hưởng của từng yếu tố.

Thành công

Nguồn vốn FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển khi chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Trước hết phải nói đến CHÍNH SÁCH – đây là bài học thành công nhất, xuyên suốt cả chặng đường 30 năm qua từ ngày Việt Nam mở cửa thu hút FDI đến nay.

Việt Nam đã kiên định với chính sách mở cửa thu hút FDI khi mở cửa dần từng bước, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước dựa trên thực trạng của nền kinh tế cũng như năng lực quản trị nền kinh tế của quốc gia, bối cảnh chính trị - kinh tế trong nước, trong khu vực và quốc tế ở từng giai đoạn. Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (nay là Luật Đầu tư) đã đặt nền móng cho bài học thành công này.

Có thể nói, việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 là một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại vì đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài - một vấn đề hoàn toàn mới trong cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp của thời kỳ đó.  

Luật này ngay khi ra đời đã được dư luận quốc tế đánh giá cao và các nhà đầu tư nước ngoài hưởng ứng. Chính vì thế, dù nội dung của Luật đầu tiên này còn nhiều hạn chế đối với FDI, như hạn chế liên doanh nhiều Bên, hạn chế thời hạn đầu tư, tập trung quản lý và cấp phép cho FDI ở Trung ương, chưa phân cấp về các địa phương,… nhưng đã thu được kết quả quan trọng ngay trong giai đoạn đầu mở cửa (1988-1995).

Ba năm đầu tiên (1988-1990) mới thu hút được 213 dự án FDI với tổng vốn đăng kí gần 1,8 tỷ USD;  5 năm sau (1991-1995) chỉ  thu hút được 3,935 dự án với tổng vốn đăng kí 20,8 tỷ USD trong khi đó chỉ riêng vốn đăng ký FDI trong năm 2017  đã đạt 30,78 tỷ USD, tăng 13,7% so với 2016, vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD.

Nếu chỉ nhìn vào con số thì thu hút FDI những năm đầu này còn rất nhỏ bé nhưng kết quả thu được thời điểm này đã đặt nền móng cho những thay đổi chính sách sau này tạo nên các thành quả to lớn hiện nay mà FDI đã mang lại cho nền kinh tế.

Các lần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài vào Viêt Nam trong các năm 1990, 1992, 2000, 2005 … và việc hợp nhất Luật Đầu tư nước ngoài với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước vào năm 2005 thành bộ Luật Đầu tư chung như hiện nay, áp dụng cho cả đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài đồng thời thực hiện việc phân cấp cấp phép đầu tư và quản lý FDI về các địa phương… là việc tiếp nối chính sách mở cửa thu hút FDI đã được đặt ra từ đầu.

Tiếp đến, việc ban hành Luật Đầu tư 2014 thay thế Luật Đầu tư 2005 và được sửa đổi bổ sung vào các năm 2016, 2017 cho thấy việc mở cửa dần từng bước trong thu hút đầu tư nước ngoài đã tiếp tục chính sách nhất quán thu hút FDI được đặt ra phù hợp với năng lực quản trị quốc gia về kinh tế phù hợp với thực tế khả năng tiếp nhận nguồn vốn FDI của nền kinh tế (bao gồm năng lực tiếp nhận của cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kiến thức và trình độ quản trị của cộng đồng doanh nghiệp,..).

Việc không tạo ra các Bộ Luật mới liên quan và chi phối hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là bài học thắng lợi về chính sách nhất quán, từng bước mở cửa thu hút FDI của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Chính sách nhất quán nêu trên cùng với bộ máy quản lý nhà nước về FDI ở cả Trung ương và các địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài đã góp phần làm nên các thành công của FDI tại Việt Nam.

Những đóng góp của FDI cho phát triển nền kinh tế là: Bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển khi chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Góp phần quan trọng vào xuất khẩu, năm 2017 chiếm tới 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu với tỷ trọng tăng dần hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao; Đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, năm 2017 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách nhà nước; Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế với gần 60% vốn FDI tập trung vào công nghiệp chế biến – chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa đất nước, hiện đại hóa nhiều đô thị và vùng nông thôn.

FDI cũng tạo ra nhiều việc làm với trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp khác; góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, hình thành nên một hệ thống các khu công nghiệp trong nước.

 Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Một dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

FDI còn góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy nhanh, có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…

Tồn tại

Trước hết cần khẳng định đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế Việt Nam thời gian 30 năm qua là chủ yếu, các tồn tại chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển.

Mặc dù BỘ MÁY QUẢN LÝ & HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ đối với FDI đã có những đóng góp tích cực vào các thành tựu của FDI như vừa nêu trên nhưng cũng cần nhận thấy còn có một số điểm yếu trong quản lý FDI.

Đó là thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quản lý, chưa kịp thời thông tin đầy đủ tình hình FDI trên từng địa bàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng như giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ ngành với nhau nên chỉ đến khi FDI để xảy ra sự cố, lúc đó tất cả các cơ quan mới cùng vào cuộc để xử lý.

Công tác quản lý nhà nước về FDI chỗ này chỗ kia, thời điểm này, thời điểm kia vẫn chưa làm hết trách nhiệm, đã để các sự cố xảy ra như gây ô nhiễm môi trường (sự cố sau lớn hơn sự cố trước) hoặc hiện tượng chuyển giá – trốn thuế của một số các doanh nghiệp FDI đã được biết đến, nói đến từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Nói tóm lại do công tác quản lý nhà nước về FDI còn có những lỗ hổng nhất định như vừa nêu trên: thiếu phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chưa làm hết trách nhiệm... cộng với việc tổ chức thực hiện chưa hết, chưa tốt các nội dung chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nói chung, các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói riêng về FDI.

Cụ thể như việc thực hiện “Nghị quyết 103/NQ – CP ngày 29/08/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới”; trong đó đã nêu rất rõ các giải pháp cần thực hiện để khắc phục các tồn tại của FDI, phân công thực hiện Nghị quyết này rất cụ thể cho từng bộ ngành liên quan và các địa phương. Thế nhưng đến nay gần 5 năm trôi qua, nhiều tồn tại của FDI vẫn chưa được khắc phục.

Sự thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về FDI nêu trên đã dẫn đến các tồn tại của FDI, đó là hiệu ứng lan tỏa của FDI chưa cao, gắn kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu. Số doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài chiếm trên 70%, phần còn lại mới là hình thức đầu tư liên doanh, cổ phần…

FDI cũng chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI  nên giá trị gia tăng từ khu vực trong nước thấp; định hướng thu hút theo ngành, theo đối tác còn hạn chế.

Đầu tư vào nông nghiệp còn ít; mức đầu tư tại Việt Nam giữa các đối tác chiến lược nước ngoài còn khoảng cách lớn; đầu tư vào bất động sản cao trong khi các doanh nghiệp Việt đã đủ sức thực hiện và phát triển lĩnh vực này ,..). Tỷ trọng các doanh nghiệp FDI có qui mô nhỏ dưới 5 triệu USD vốn đăng kí còn lớn, chiếm trên 75% số lượng dự án được cấp phép.

Kết quả thu hút FDI còn thăng trầm giữa các giai đoạn, phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế nhiều hơn vào tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Mức độ giải ngân vốn đăng kí còn thấp, trong 310 tỷ USD vốn đăng kí mới giải ngân được 170 tỷ USD còn đến 140 tỷ USD chưa thực hiện với nhiều dự án chậm triển khai, dự án treo.. gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Công tác thống kê còn thiếu nhiều con số cần thiết cho cân đối vốn của nền kinh tế như số vốn FDI thực hiện theo ngành và từng địa phương chưa được công bố. Tổng diện tích đất đã giao cho khối doanh nghiệp FDI thuê, số tiền đất cho thuê thu được… cũng chưa được công bố nên rất khó cho việc đánh giá thực tế hiệu quả thu được từ đất đai đối với FDI.

Yếu tố cuối cùng trao đổi ở đây là CON NGƯỜI, đã có câu nói “TRĂM SỰ TẠI NHÂN” hàm ý mọi sự phụ thuộc vào con người  - nhân sự thực hiện các chính sách đặt ra. Chính sách có thể chưa đúng, chưa phù hợp nhưng con người có nhận thức đúng, có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao thì khó có thể làm sai.

Vấn đề lớn nhất hiện nay cũng là bài học thực tiễn lớn nhất hiện nay là chất lượng đội ngũ thực thi công vụ. Việc chấn chỉnh đào tạo để có được nhiều hơn một đội ngũ nhân sự “vừa hồng vừa chuyên hay vừa có tâm vừa có tài” trong thực thi công vụ liên quan đến FDI sẽ mang lại thành công to lớn hơn nữa trong thu hút FDI giai đoạn tới./.

>>> Thay đổi chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

>>> Cần chính sách ưu đãi đầu tư gì để nâng cao giao dịch liên kết tại Việt Nam?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục