Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thu hút doanh nghiệp FDI

10:06' - 31/07/2018
BNEWS Kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp, kho vận đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía nhất là các doanh nghiệp FDI với nhiều tiềm năng phát triển.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đã thu hút dòng vốn FDI lên đến 35,6 tỷ USD trong năm 2017, tăng 44,4% so với năm trước, trong đó Nhật Bản là thị trường có lượng vốn ngoại rót nhiều nhất, đóng góp 9,11 tỷ USD.

“Chúng tôi đã chứng kiến lượng vốn ngoại rót vào Việt Nam từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị trường giá rẻ và đặt mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án thành phố thông minh”, ông Troy Griffiths nói.

Trong bối cảnh đó, hoạt động bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, nhưng cần phải cải thiện để thu hút và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, lực lượng lao động tay nghề cao phục vụ cho việc mở rộng các ngành sản xuất và hậu cần sẽ đảm bảo năng suất và khả năng cạnh tranh cao hơn trong những năm tới.

Các chuyên gia bất động sản cho biết, hiện nay phân khúc về kho vận (logistics) cũng đang thay đổi. Việc nhiều công ty nước ngoài tham gia sẽ khiến các dịch vụ này thay đổi các cách thức tiếp cận, chuyển sang các mô hình giải pháp và có chiến lược. Trong khi hầu hết các công ty kho vận trong nước chỉ cung cấp các dịch vụ hậu cần bên thứ nhất và thứ hai, thì các công ty toàn cầu đang cung cấp các dịch vụ logistics thuê ngoài quốc tế (3PL).

Các công ty quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế đang mở rộng vị thế và sức ảnh hưởng của họ trong ngành logistics bằng cách cung cấp các dịch vụ cộng thêm như theo dõi và quản lý hàng tồn kho, đóng gói và dán nhãn. Sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” có tiềm năng đáng kể, cụ thể là nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.

Ông Troy Griffiths chia sẻ, Chính phủ đã rót vốn đầu tư rất nhiều vào hạ tầng cơ sở, mặc dù trên thực tế chúng ta cần nhiều hơn nữa. Những nhà cung cấp dịch vụ logistics thuê ngoài quốc tế đang đầu tư tích cực hơn vào thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở vật chất hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa ‘cuối cùng’ có tiềm năng lớn và nhu cầu sẽ tăng theo nhằm đáp ứng lượng kho bãi tập trung tại ranh giới các khu trung tâm thương mại (CBD) và gần các trục đường chính của thành phố.

Trong bối cảnh này, Warburg Pincus được xem là một trong những là “ông lớn” tiên phong trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài này đã hợp tác Becammex IDC để trở thành nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp và logistics lớn nhất cả nước. Warburg Pincus sẽ đầu tư 200 triệu USD vào Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW để phát triển các dịch vụ logistics và bất động sản khu công nghiệp hiện đại trên khắp Việt Nam.

Đánh giá tiềm năng của lĩnh vực này tại Việt Nam, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc Điều hành và Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nhấn mạnh, với sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam cũng như sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng tiêu thụ nội địa, thị trường bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics đã đến thời điểm chín muồi cho tăng trưởng vượt bậc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục