45 năm thống nhất đất nước: Nhà báo Đinh Quang Thành và những khoảnh khắc lịch sử

09:36' - 29/04/2020
BNEWS Đã 45 năm đã trôi qua, nhưng với Nhà báo Đinh Quang Thành, ký ức về những ngày tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), một trong số những nhà báo được phân công tham gia “Tổ mũi nhọn” theo bộ đội vào Giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.

Ở tuổi 85, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn lắm, mái tóc bạc trắng, gương mặt hồng hào, giọng nói sang sảng...

Qua lời kể của ông, câu chuyện lịch sử cách đây 45 năm mà ông trực tiếp tham gia hiện lên một cách sống động, đầy cảm xúc. Đối với ông, đó là những năm tháng không thể nào quên.
Cô gái mang tên Vĩnh An
Nhà báo Đinh Quang Thành kể, cuối tháng 3/1975, ông được lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã phân công tham gia “Tổ mũi nhọn” đi đưa tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử).

Chiếc xe commăngca chở "Tổ mũi nhọn" đi chiến dịch gồm 5 người, trong đó có ba phóng viên ảnh gồm: Đinh Quang Thành, hai phóng viên Thông tấn quân đội là Hứa Kiểm và Vũ Tạo, cùng lái xe, điện báo viên gấp rút lên đường để bắt kịp các đoàn quân tiến vào miền Nam.
"Tổ mũi nhọn" của ông đi suốt ngày đêm, tới Huế đúng lúc Huế vừa được giải phóng. Sau đó, đoàn lại tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng. Trên đường đi, Tổ mũi nhọn đã bắt kịp và hòa vào đoàn quân của Quân đoàn 2, vừa chiến đấu vừa hành quân tiến vào Nam. Từ đó, nhóm phóng viên luôn theo sát các chiến sỹ giải phóng, chụp ảnh, đưa tin chiến trường dọc đường từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Nhà báo Đinh Quang Thành và các đồng nghiệp vào đến Đà Nẵng đúng lúc trận chiến đang diễn ra cam go, ác liệt nhất. Khi đó, lạ nước lạ cái, một mình ông lang thang tìm kiếm các địa điểm để tác nghiệp. Rồi, ông nhìn thấy một ngôi nhà, trong đó có rất nhiều thanh niên trẻ.

Các bạn ấy chạy ra, chạy vào bận rộn lắm, trên tay ai cũng cầm rất nhiều cờ. Ông đoán đây là một tổ chức thanh niên của quân ta đang chuẩn bị đưa cờ đến các điểm để tuyên truyền và ủng hộ quân Giải phóng.

Ông tạt vào ngôi nhà, nhờ một cô gái trẻ làm hướng dẫn viên, chở xe máy đưa ông đến một số địa điểm quan trọng để tác nghiệp. Cô gái vui vẻ nhận lời, báo cáo cán bộ phụ trách rồi lái xe đưa ông đi đến những địa điểm quan trọng như bán đảo Sơn Trà nơi có trạm rada Đà Nẵng, nơi từng được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” thời đó; Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 của quân Ngụy, quân cảng Đà Nẵng… Ông đã ghi lại nhiều bức ảnh tư liệu quý giá về những trận đánh quan trọng, cũng như giờ khắc Đà Nẵng giải phóng trong ngày hôm đó.
“Đến nay, tôi chỉ nhớ cô gái đó tên là Vĩnh An, rất trẻ trung, xinh đẹp. Tôi rất biết ơn vì nhờ cô ấy mà tôi có được bộ ảnh quý giá về Đà Nẵng trong thời điểm chiến đấu ác liệt, cũng như khi Đà Nẵng giải phóng. Tôi luôn ước ao có thể gặp lại được cô ấy, để trực tiếp nói lời cảm ơn", Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.
Tấm bản đồ quý giá
Nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại, sau khi quân ta phá tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, nhóm phóng viên bàn nhau lên Đà Lạt, dự định đi từ Đà Lạt xuống Biên Hòa để đi vào Sài Gòn sớm hơn. Nhưng khi lên đến Đà Lạt, gặp cán bộ chỉ huy Quân đoàn 3 của ta, các anh chỉ huy khuyên nên quay lại đường 1, bám theo cánh quân của Quân đoàn 2 khả năng sẽ vào Sài Gòn sớm hơn.
Trước khi từ Đà Lạt về, "Tổ mũi nhọn" có ghé qua Nha bản đồ của quân Ngụy để chụp ảnh, lấy tư liệu. Trong lúc lang thang các ngóc ngách của Nha bản đồ, Nhà báo Đinh Quang Thành nhìn thấy mấy chồng bản đồ khổ lớn đã in sẵn đang xếp gọn một góc. Ông lấy luôn hai bộ nhét vào ba lô, với suy nghĩ, để sau này vào Sài Gòn, có bản đồ để tìm địa chỉ tác nghiệp mà không lo lạc đường.
Khi nhóm phóng viên của "Tổ mũi nhọn" trở lại, Xuân Lộc đã giải phóng. Các anh lại may mắn gặp cán bộ của Sư đoàn 304, là đơn vị kết nghĩa với Việt Nam Thông tấn xã. Chỉ huy Sư đoàn đón nhóm phóng viên vào rừng cao su ở gần căn cứ Nước Trong, cách thành phố Biên Hòa không xa.

Tại đây, "Tổ mũi nhọn" chia thành hai nhóm tác nghiệp. Nhà báo Trần Mai Hưởng và Vũ Tạo đi theo một cánh quân khác. Nhà báo Đinh Quang Thành và Hứa Kiểm đi cùng mũi chủ công của Quân đoàn II gồm Lữ đoàn Tăng 203 và Trung đoàn 66 Anh hùng của Sư đoàn 304, còn được gọi là “Binh đoàn thọc sâu”.

Trong quá trình bàn kế hoạch tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, các anh trong Ban Chỉ huy của “Binh đoàn thọc sâu” ngồi bàn các phương án tiến quân vào Sài Gòn. Lúc đó, trên tay các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 66 chỉ có bản đồ tác chiến, ước chừng bằng tờ giấy khổ A4 hiện nay.

Bản đồ có vẽ các hướng tiến công vào Sài Gòn, nhưng trong đó không có tên đường, không có chỉ dẫn cụ thể là từ rừng cao su sẽ đi như thế nào để vào Sài Gòn...
Thấy các đồng chí chỉ huy Trung đoàn băn khoăn tìm đường, Nhà báo Đinh Quang Thành nhớ đến tấm bản đồ mang từ Đà Lạt vẫn để trong ba lô. Ông nghĩ có lẽ tấm bản đồ đầy đủ tên đường phố Sài Gòn này có thể giúp các anh tìm đường vào Sài Gòn dễ dàng. Vậy là, ông đã tặng một tấm bản đồ cho chỉ huy Trung đoàn 66.
Tấm bản đồ được trao tặng đúng lúc anh em đang cần nhất, chỉ huy Trung đoàn mừng lắm, trải ngay bản đồ to gần bằng cái chiếu ra giữa rừng cao su, nghiên cứu kỹ càng từng tuyến đường vào Sài Gòn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, tổ đội.

Nhóm này đi đến đâu thì rẽ, nhóm kia đi đến đâu thì tách ra, rồi từ các hướng tiến vào Sài Gòn… Các tổ đội lấy sổ ghi chép kỹ tuyến đường theo phân công cụ thể, chi tiết. Nhờ đó, anh em chiến sỹ “Binh đoàn thọc sâu” nắm chắc đường đi, thuận lợi tiến công vào Sài Gòn đúng sáng 30/4/1975.
Lúc tặng bản đồ, ông cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy bộ đội cần thì tặng, ông cũng không kể chuyện này với ai. Mãi nhiều năm sau giải phóng, trong một tham gia giao lưu về cuộc chiến tại Thông tấn xã Việt Nam, vị tướng chỉ huy Trung đoàn 66 nhắc lại câu chuyện tặng bản đồ của Nhà báo Đinh Quang Thành, mọi người mới biết. Sau giải phóng, tấm bản đồ ý nghĩa đó được đưa về Quân đoàn 2, hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quân đoàn 2.
Ký ức mãi không phai nhòa
Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành tâm sự, ông là người vô cùng may mắn khi trực tiếp chứng kiến và tác nghiệp trong ngày Giải phóng Sài Gòn. Nhờ có mặt trong thời khắc lịch sử của dân tộc mà ông lưu giữ được rất nhiều bức ảnh lịch sử, ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại đó.

Có thể kể đến bức ảnh chụp lễ trao cờ do Sư đoàn 304 trao cho Trung đoàn 66 - đơn vị xung kích trong chiến dịch. Hay những bức ảnh từng đoàn xe tăng địch án ngữ giữa đường, hàng thùng phuy đổ đầy đất mong cản bước tiến quân ta trên đường hành quân của Lữ đoàn Tăng 203 cùng Sư đoàn 304 trên xa lộ Biên Hòa.

Rồi khoảnh khắc quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay địch trốn chạy bị bắn rơi trên đường phố Lý Thái Tổ, Sài Gòn…

"Mỗi bức ảnh tôi chụp đều gắn với những kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ. Nhưng có lẽ, những bức ảnh bộ đội ta truy kích địch ở sân bay Tân Sơn Nhất để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất", Nhà báo Đinh Quang Thành nói.

Theo lời kể của ông, đó là khoảng  11 giờ 30 ngày 30/4/1975, sau khi ông vừa ghi lại những khoảnh khắc Lữ đoàn Tăng 203 tiến vào dinh Độc Lập, ông liền chạy đến sân bay Tân Sơn Nhất. Giữa mịt mù khói lửa, ông nhìn thấy một tổ bộ đội ta đang chạy qua đường băng, truy kích địch trong sân bay. Ông giơ ngay máy ảnh chụp liên tục khoảnh khắc lịch sử đó.
Trong lúc chụp ảnh, Nhà báo Đinh Quang Thành chỉ kịp hỏi: Các đồng chí ở đơn vị nào? Các chiến sỹ trả lời: Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, rồi chạy vụt đi. Ông nói với theo "Ảnh các đồng chí sẽ bay đi khắp thế giới"…
Quả thật sau này, bức ảnh “Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất” của Nhà báo Đinh Quang Thành trở thành những bức ảnh hiếm hoi ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng trong trận đánh chiếm sân bay ngày ấy và nhận được giải thưởng tại các cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Bức ảnh còn được đưa vào cuốn sách “Nhiếp ảnh thế kỷ 20”.

Trong những dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, bức ảnh “Truy kích địch tại sân bay Tân Sơn Nhất” ấy được nhiều báo sử dụng. Những cựu chiến binh của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 nhìn thấy ảnh mình trên báo hết sức xúc động. Họ rủ nhau tìm về Hà Nội để tìm người chụp bức ảnh đó, với mong muốn được gặp lại, xin vài bức ảnh làm kỷ niệm, treo ở nhà truyền thống.
Năm 2019, nhờ sự kết nối của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, 5 cựu chiến binh là những người lính có mặt trong bức ảnh đã tìm đến tận nhà, thăm Nhà báo Đinh Quang Thành. Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí xúc động, mọi người cùng ôn lại câu chuyện về khoảnh khắc lịch sử khi những người lính lao trong lửa đạn ở Sân bay Tân Sơn Nhất.

Rồi thật may mắn, khoảnh khắc lịch sử đó được ghi vào ống kính của Nhà báo Đinh Quang Thành. Những người lính trở thành nhân vật lịch sử trong một bức ảnh lịch sử. Trước khi chia tay, Nhà báo Đinh Quang Thành đã tặng các cựu chiến binh mỗi người hai bức ảnh làm kỷ niệm.
Đã 45 năm đã trôi qua, nhưng với Nhà báo Đinh Quang Thành, ký ức về những ngày tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên vẹn.

“Với tôi, những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự kiện lớn nhất, may mắn và vinh dự lớn nhất trong cuộc đời làm báo, làm nghệ thuật của tôi. Đó cũng sẽ là những ký ức mãi mãi không bao giờ phai” - Nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành chia sẻ./.

>>>Chuyện cô gái Bình Dương ngồi trên xe tăng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục