5 điểm mới của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

13:29' - 23/09/2022
BNEWS Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới... từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Sáng 23/9, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Duy Đông cho biết, một trong những nhiệm vụ cốt lõi, mang tính nền tảng của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đó là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012. 

Theo đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ, dự thảo luật có 5 điểm mới là: mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng tổ hợp tác và Liên đoàn hợp tác xã tạo ra một hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác  đa dạng, phát triển từ thấp đến cao. Mở rộng đối tượng thành viên liên kết, người từ đủ 15 tuổi, tổ hợp tác, các tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia tổ chức kinh tế hợp tác.

Tổ chức kinh tế hợp tác không bị hạn chế sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận ra bên ngoài như hoạt động của doanh nghiệp sau khi đáp ứng nhu cầu thành viên. Phân tách giao dịch nội bộ bên trong và giao dịch bên ngoài tổ chức kinh tế hợp tác. Phần giao dịch bên trong được Nhà nước miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ, giao dịch bên ngoài phải trích một phần vào quỹ chung không chia để hình thành tài sản chung không chia và chịu thuế như doanh nghiệp.

Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ phương án sản xuất kinh doanh, giảm quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức kinh tế hợp tác gia nhập, rút khỏi thị trường. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tổ chức và biểu quyết trực tuyến Đại hội thành viên; tăng cường tính minh bạch thông qua quy định về công bố thông tin.

Ngoài ra, bổ sung quy định cơ cấu tổ chức linh hoạt phù hợp với quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác; tổ chức kinh tế hợp tác có thể có nhiều người đại diện. Quy định một số đối tượng bắt buộc phải kiểm toán, tần suất kiểm toán, giúp nâng cao hiệu quả quản trị, dự báo rủi ro đối với các Tổ chức kinh tế hợp tác.

Cùng đó, bổ sung một chương về Chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác; trong đó, quy định rõ tiêu chí các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã thành lập hình thức với mục tiêu trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quy định nguyên tắc Tổ chức kinh tế hợp tác được hưởng các chính sách không thấp hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung quy định chính sách đặc thù của Tổ chức kinh tế hợp tác.

 

Thực hiện nhiệm vụ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp hợp tác xã chuyển đổi số như: xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký hợp tác xã trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc tham gia và rút lui khỏi thị trường của các hợp tác xã…

Bộ cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong 20 năm qua, chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX đề ra. Đó là, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng khoảng một phần hai tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm từ khoảng 8% năm 2001 xuống còn 3,6% năm 2020.

Nhiều hợp tác xã tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã. Các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều hợp tác xã còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của kinh tế tập thể.

“Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác đầu tư của cộng đồng hợp tác xã, chúng tôi tin tưởng rằng các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW sẽ được thực hiện thành công, giúp cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục