Liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã

16:40' - 13/09/2022
BNEWS Để hợp tác xã trở thành một trong những động lực của nền kinh tế, cần chú trọng đưa hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp.

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thực thi đến nay, hầu hết tại hợp tác xã các chỉ số về vốn, doanh thu đều tăng. Tuy nhiên, việc liên kết người dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp tại địa phương còn nhiều nút thắt khiến số lượng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để hợp tác xã sớm trở thành một trong những động lực của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó chú trọng việc đưa hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp.

*Mắt xích rời rạc

Là một trong những cánh chim đầu đàn trong phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa (tỉnh Quảng Nam) có 1.720 hộ thành viên, quản lý và tổ chức sản xuất gần 500 ha đất nông nghiệp; trong đó, có hơn 332 ha đất lúa và 120 ha đất trồng hoa màu.

Bên cạnh việc canh tác, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa còn cung ứng các dịch vụ khép kín như sản xuất lúa giống, chế biến gạo an toàn và bánh tráng nhúng; đồng thời tham gia chuỗi giết mổ gia súc, gia cầm...

Hiện tại, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa đang sở hữu hai thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc” sản phẩm OCOP 4 sao và “Gạo an toàn Ái Nghĩa” sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, góp phần nâng tầm hàng Việt tại địa phương và tạo lòng tin trong lòng người tiêu dùng.

Nhờ nắm bắt thị trường tốt, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên doanh thu hợp tác xã luôn đạt mức cao. Cụ thể, năm 2020, đơn vị đạt doanh thu hơn 23 tỷ đồng, năm 2021 là hơn 30 tỷ đồng.

Thế nhưng, ngoài những kết quả đã đạt được Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì có những thời điểm, nhiều loại sản phẩm phải đối mặt với “khủng hoảng thừa”.

Đây là tình trạng chung của nhiều hợp tác xã trong cả nước bởi vẫn duy trì phương thức canh tác tự phát, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm sau thu hoạch chất lượng chưa cao.

Hơn nữa, sản phẩm của hợp tác xã phần nhiều ở dạng sơ chế, chưa xây dựng được thương hiệu thị trường hàng hóa nên sản phẩm không thể vượt ra khỏi ranh giới địa phương.

Thống kê cho thấy, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã thực hiện phương thức liên kết thông qua hợp đồng giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mối liên kết này còn khiêm tốn nên chưa thực sự nâng cao được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Điều này lý giải việc có những hợp tác xã đang xuất khẩu nông sản tươi ra nước ngoài thì đâu đó lại có những doanh nghiệp nhập khẩu nông sản thô từ các thị trường để phục vụ chế biến.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội chia sẻ, nhiều năm nay, Thường trực Liên minh Hợp tác xã Thành phố luôn trăn trở giải đáp bài toán khó trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã thành viên.

Cụ thể là xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối - tiêu thụ sản phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa nhà tiêu thụ và nhà sản xuất, qua đó thúc đẩy phát triển nguồn cung cấp cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm có chất lượng cao, nhất là sản phẩm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Chỉ ra một số điểm hạn chế về mối liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người dân là có quá nhiều doanh nghiệp theo một số doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn của nhiều hợp tác xã khiêm tốn nên khó xây dựng hoặc liên kết với các công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào khi thanh toán tiền mặt.

Hơn nữa, tại những vùng chuyên canh, đa dạng các mặt hàng nông sản với số lượng lớn nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giá, chọn lựa nhà sản xuất để liên kết.

Nhận định từ các chuyên gia, hiện nay mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp tuy đã tạo sự phát triển ổn định hơn cho thị trường cũng như nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp yên tâm chế biến.

Thế nhưng, thực tế cho thấy sự liên kết này vẫn khá lỏng lẻo và cần sự phối hợp chặt chẽ hơn để nâng tầm sản phẩm của hợp tác xã cũng như tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho doanh nghiệp khi bắt tay vào sản xuất.

*Đón lõng thị trường

Nắm bắt được thị trường, thời gian qua, Hợp tác xã Thành Công (Thanh Hoá) không ngừng gia tăng được quy mô liên kết nhờ đổi mới cách làm, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Hiện nay, hợp tác xã có 9 thành viên cùng hợp tác và hàng trăm hộ gia đình kết nối trong chuỗi liên kết. Ngoài thành công với các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, phát triển chăn nuôi, hợp tác xã đã xây dựng thành công sản phẩm miến dong Hương Ngọc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Theo ông Lê Quang Lịch, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công, để hình thành kênh tiêu thụ nông sản bền vững, hợp tác xã đã kêu gọi bà con hợp tác hình thành vùng nguyên liệu; đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, hợp tác xã cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, quảng bá sản phẩm; đồng thời kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi bao tiêu sản phẩm.

Do đó,  năm 2021 hợp tác xã đã xuất bán được gần 7 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 600 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hoá, trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong thời gian tới, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng.

Vì thế, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hoá đề nghị các địa phương chú trọng phát triển hợp tác xã thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra, phục vụ nhu cầu của các hộ thành viên.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản nhằm giúp hợp tác xã bứt phá, phát triển ngang tầm với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội cho hay, nhằm hỗ trợ việc liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã thành viên có hiệu quả.

Qua đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường.

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thịt cá, rau củ quả các loại, các sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng với các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị.

Theo ông Mai Quang Vinh, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, chế biến chính là mắt xích quan trọng để các diện tích nông sản an toàn, hữu cơ được phát triển.

Thay vì bán tươi gặp nhiều khó khăn, chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ ở Việt Nam còn nhiều khúc mắc thì việc doanh nghiệp chủ động bàn bạc với hợp tác xã để có các bước thống nhất trong hợp đồng liên kết là điều quan trọng. Dù vậy, để mối liên kết được lâu dài, người dân, hợp tác xã phải đảm bảo số lượng nông sản nguyên liệu ổn định và chất lượng đồng đều.

Đặc biệt, sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận các chính sách vay vốn sẽ tạo đà để hợp tác xã đáp ứng các yêu cầu trong quá trình liên kết với doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục