5 vấn đề lớn sau khi EU thông qua thỏa thuận hậu Brexit

05:30' - 30/04/2021
BNEWS thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh thời hậu Brexit (TCA) dù đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

EP ngày 28/4 đã thông qua TCA với đa số áp đảo (660 nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống và 32 phiếu trắng), đặt ra khuôn khổ cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Việc EP thông qua TCA có nghĩa là thỏa thuận, đã được áp dụng tạm thời từ tháng 1/2021, có thể hoàn toàn có hiệu lực vào ngày 1/5 tới. Tuy nhiên, sau đây là 5 vấn đề lớn vẫn cần được giải quyết:

* Vấn đề quản trị

TCA tạo ra một cấu trúc quản trị phức tạp, mà chỉ sau khi thỏa thuận được phê chuẩn mới có thể được thực hiện. Hội đồng Đối tác chung EU-Anh sẽ được thành lập và là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện và tạo ra một diễn đàn để cả hai bên khắc phục những khác biệt. 

Đại diện của Anh David Frost và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maroš Šefčovič sẽ là người đứng đầu mỗi bên trong Hội đồng đối tác chung Anh-EU.

Hai bên cũng sẽ thành lập một Ủy ban đối tác thương mại để tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ 10 ủy ban thương mại chuyên ngành và xem xét các vấn đề như thương mại hàng hóa, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, quy tắc xuất xứ và sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, 8 ủy ban khác sẽ đảm nhiệm các lĩnh vực chính sách bao gồm năng lượng, an toàn hàng không, điều phối an sinh xã hội, nghề cá và thực thi pháp luật.

TCA cũng dẫn đến việc Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu thành lập Hội đồng đối tác nghị viện bao gồm các nhà lập pháp từ hai cơ quan này. Hội đồng có thể tiếp nhận thông tin từ Hội đồng Đối tác và đưa ra các khuyến nghị về việc thực hiện thỏa thuận.

* Kiểm tra biên giới

Brussels và London đang tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp trong vấn đề Bắc Ireland, sau quyết định đơn phương của Anh nhằm hoãn áp dụng các biện pháp kiểm tra mới đối với thực phẩm, bưu kiện và vật nuôi giữa khu vực này và Anh (một động thái được EU coi là vi phạm Nghị định thư Bắc Ireland).

Nghị định thư Bắc Ireland được Anh và EU ký năm ngoái, trong đó EU cử nhân viên hải quan tới Bắc Ireland, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, kiểm tra hàng hóa đi qua cảng để đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường EU khi vào Bắc Ireland được đáp ứng.

Cả hai bên đã làm việc tích cực kể từ lễ Giáng Sinh (24/12/2020) và xác định được tới 27 lĩnh vực khác biệt mà họ đang cố gắng tìm ra điểm chung. Các nhà đàm phán của EU đã đề nghị loại bỏ việc kiểm tra đối với thực phẩm nhập vào Bắc Ireland từ Anh nếu London đáp ứng với các tiêu chuẩn của EU. 

Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã từ chối điểm này, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc kiểm soát tương ứng vì cho rằng đã có tiền lệ trong các thỏa thuận được ký kết giữa EU và các nước thứ ba.

João Vale de Almeida, Trưởng phái đoàn của EU tại Anh, khẳng định Nghị định thư Bắc Ireland là giải pháp cho các vấn đề do Brexit tạo ra, chứ không phải là nguồn gốc của căng thẳng. Nhưng một số người đã đổ lỗi cho tranh cãi chính trị về Nghị định thư này là nguyên nhân dẫn đến bạo lực đường phố gia tăng ở Bắc Ireland.

Trong khi đó, các nhóm doanh nghiệp đang thúc đẩy một thỏa thuận nhằm giảm bớt sự gián đoạn thương mại. Hannah Essex, Giám đốc phòng thương mại Anh, cho biết: “Anh và EU phải quay lại bàn đàm phán và tiếp tục thảo luận để có thể xây dựng các thỏa thuận được đề ra trong TCA, nhằm mang lại những cải thiện lâu dài cho dòng chảy thương mại giữa hai bên”.

* Vấn đề ngoại giao

Trong số các vấn đề đang chờ giải quyết, nội dung gây "khó chịu" nhất đối với Ủy ban châu Âu là quyết định của Anh không trao quy chế ngoại giao đầy đủ cho phái đoàn và nhân viên của EU tại London.

Việc không có tư cách như vậy cho đến nay đã tước quyền miễn trừ ngoại giao của ông Vale de Almeida và phái đoàn EU tại London. Điều này nhằm đảm bảo rằng họ không thể bị bắt, giam giữ và thẩm vấn bởi Chính phủ Anh.

Bộ Ngoại giao Anh lập luận rằng Công ước Vienna chỉ áp dụng cho các quốc gia chứ không áp dụng cho các tổ chức quốc tế như EU. Theo Bộ, việc cấp quy chế ngoại giao có thể dẫn đến những yêu cầu tương tự từ một loạt các tổ chức quốc tế khác.

Nhưng Ủy ban châu Âu cho rằng EU không chỉ là một tổ chức quốc tế vì nó có quyền đại diện cho các nước thành viên trong một loạt lĩnh vực chính sách. Brussels cũng chỉ ra rằng Anh đã ký một thỏa thuận vào năm 2010, cấp cho các nhà ngoại giao EU “quyền ưu đãi và miễn trừ” ngoại giao và rằng 142 quốc gia khác mà EU có phái đoàn đều đã cấp quy chế ngoại giao cho các đại sứ của Liên minh này.

Việc phía Anh từ chối cấp quy chế ngoại giao đồng nghĩa với việc ông Vale de Almeida vẫn chưa thể trình ủy nhiệm thư với Nữ hoàng Anh như những người đứng đầu các đại sứ quán khác. Do quyết định này của Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã hủy cuộc họp với người đứng đầu Phái bộ Anh tại EU Lindsay Croisdale-Appleby hồi tháng 1/2021.

Ngày 27/4, ông Almeida cho biết, ông “tin tưởng” rằng cả hai bên sẽ tìm ra giải pháp “phù hợp với thông lệ quốc tế”. Các quan chức Anh nói rằng họ cũng tự tin tìm ra một giải pháp.

* Hiệp ước Gibraltar

Cuối năm 2020, Tây Ban Nha và Anh đã đạt được thỏa thuận (sau 11 giờ đàm phán) để tránh tạo ra “đường biên giới cứng” giữa Gibraltar (vùng lãnh thổ của Anh, nằm trên bờ biển phía Nam của Tây Ban Nha) và Tây Ban Nha bằng cách cho phép Gibraltar trở thành một phần của khu vực Schengen với sự bảo trợ của Madrid.

Thỏa thuận này mở đường cho việc phá bỏ hàng rào vật lý dài 1,2 km gây tranh cãi giữa hai bên, bằng cách chuyển các chốt kiểm tra biên giới đến cảng và sân bay của Gibraltar. Mặc dù các chính trị gia ở Gibraltar và Tây Ban Nha đã mô tả thỏa thuận này là lịch sử, nhưng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và phải được chuyển đổi thành một hiệp ước quốc tế giữa EU và Anh.

Ủy ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch đàm phán của mình liên quan đến vấn đề trên vào đầu tháng Năm để khởi động các cuộc đàm phán chính thức với London. Brussels cũng phải đưa ra quan điểm của mình về thời gian biểu cho các cuộc đàm phán và có thể lựa chọn thời gian đàm phán dài hơn so với 6 tháng mà Tây Ban Nha và Gibraltar dự kiến. 

* Các dịch vụ tài chính

Ủy ban châu Âu và Bộ Tài chính Anh đã đạt được Biên bản ghi nhớ về các dịch vụ tài chính, tạo ra một diễn đàn để trao đổi giữa các quan chức cấp cao nhất về những quy định trong tương lai.

Mặc dù thiếu sức nặng pháp lý, song hiệp định vẫn có ý nghĩa đối với lĩnh vực này, vì hiệp định cung cấp một kênh chính thức để tranh luận về các vấn đề liên quan, quan trọng hơn là đề xuất các giải pháp cho rào cản thương mại xuyên biên giới, rửa tiền và ổn định tài chính.

Biên bản ghi nhớ cũng đặt nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ và tạo cơ hội để thảo luận về các quyết định tương đương. Tuy nhiên, một thỏa thuận chính thức để cả hai bên công nhận các quy tắc của nhau vẫn rất khó xảy ra trong tương lai gần.

Các quy tắc vẫn là đặc quyền đơn phương của cả hai bên và cho đến nay có rất ít tiến bộ về chủ đề này. Điều này đã thúc đẩy nhiều người ở Anh xem xét các lựa chọn thay thế, trong đó có việc tách riêng các quy định.

Karim Haji, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của KPMG (tập đoàn cung cấp các dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở chính ở Hà Lan), cho biết Vương quốc Anh là một trong những nước đi đầu về quy định dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng, cũng là một trong những nhà đổi mới quan trọng trong lĩnh vực không gian, và là một trong những nhà lãnh đạo trên thế giới, và đó là lý do tại sao Anh đã thành công trong việc xuất khẩu các dịch vụ tài chính. Điều đó không thay đổi do tác động của Brexit./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục