50.000 lượt công nhân lao động được vay vốn ưu đãi 1.200 tỷ đồng

17:32' - 11/04/2024
BNEWS Việc tạo điều kiện cho công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn không chỉ giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn mà còn góp phần hiệu quả trong việc đẩy lùi, phòng, chống tín dụng đen.

Sáng 11/4, Công đoàn Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) đã tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai chương trình phối hợp phòng, chống “tín dụng đen” trong đoàn viên, công nhân lao động tại các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố.

Kết quả sau gần 6 tháng triển khai, có hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn với lãi suất ưu đãi 0,4%/tháng với doanh số 64,7 tỷ đồng. Số dư tiền gửi có kỳ hạn từ Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, các Công đoàn cơ sở trực thuộc và tiết kiệm đoàn viên từ công nhân vay vốn đạt 131 tỷ đồng.

Đồng thời, qua chương trình đã có gần 5.300 công nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ từ Tổ chức Tài chính vi mô và tổ chức Công đoàn thông qua các chương trình phát triển cộng đồng như: Mái nhà CEP, học bổng, hỗ trợ nhu yếu phẩm, trợ cấp khó khăn, tặng bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Theo bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng công nhân lao động được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Tổ chức Tài chính vi mô là lớn song vẫn còn khiêm tốn so với lực lượng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu về vốn.

Chính vì vậy, thời gian qua có không ít trường hợp công nhân, người lao động tìm đến tín dụng đen, trong đó có những trường hợp do nhu cầu cấp bách như đau ốm, thương tật… không xoay sở được. "Việc tạo điều kiện cho công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn không chỉ giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp thiết trước mắt mà còn góp phần hiệu quả trong việc đẩy lùi, phòng, chống tín dụng đen…”, bà Vũ Thế Vân chia sẻ.

Để tạo thêm nhiều cơ hội cho công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, công nghiệp Thành phố tiếp cận nguồn vốn, bà Vũ Thế Vân đề nghị giám đốc các chi nhánh của Tổ chức Tài chính vi mô và cán bộ Công đoàn phụ trách tại các khu tăng cường phối hợp hơn nữa, nhất là trong việc thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô với công nhân và người sử dụng lao động. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân tăng cường chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…

Chương trình phối hợp phòng, chống “tín dụng đen” trong đoàn viên và công nhân lao động tại các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố là một trong những hoạt động thuộc Đề án “CEP của tổ chức Công đoàn tham gia phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt. Chương trình hướng đến giúp đoàn viên công đoàn và công nhân lao động có thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi, vượt qua khó khăn, thực hành tiết kiệm, nâng cao kiến thức tài chính, hạn chế tình trạng vay “tín dụng đen”.

 

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả chương trình bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô yêu cầu các chi nhánh CEP xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể và thống nhất cùng Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện đúng tiến độ; quan tâm phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, thường xuyên rà soát các đơn vị thành viên để nắm bắt và phục vụ kịp thời nhu cầu vay vốn của công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Đại diện các Công đoàn cơ sở và các chi nhánh CEP cam kết tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
"Các chi nhánh CEP cần linh hoạt phối hợp trong các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, kịp thời. . .Đẩy mạnh truyền thông giúp công nhân lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; định kỳ họp hai bên giải quyết kịp thời những điểm nghẽn, phục vụ hiệu quả nhu cầu cứ công nhân lao động”, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân chia sẻ.

Trải qua 15 năm gắn kết với Tổ chức Tài chính vi mô, chị Nguyễn Hồng Bích, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm xuất khẩu Hai Thanh (Khu Công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đã giới thiệu trên 200 lượt công nhân lao động trong doanh nghiệp vay hơn 50 tỷ đồng; phối hợp cùng Tổ chức Tài chính vi mô trong các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là việc ân hạn nợ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Ban đầu khi Tổ chức Tài chính vi mô tiếp cận, chị Bích đã từ chối vì lo lắng, sợ gánh nợ, sợ trách nhiệm…. Tuy nhiên, do cuộc sống của nhiều công nhân lao động còn nhiều khó khăn, đặc biệt thông qua hướng dẫn, các hoạt động tư vấn tận tình, thủ tục đơn giản… chị Bích đã mạnh dạn, xác nhận cho công nhân, người lao động được vay vốn.

Tại Hội nghị, Công đoàn Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố và Tổ chức Tài chính vi mô cam kết, đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 tăng thêm 95 Công đoàn cơ sở mới tham gia chương trình, tạo điều kiện cho 25.000 đoàn viên Công đoàn hưởng thụ sản phẩm dịch vụ CEP và 50.000 lượt công nhân lao động vay khoảng 1.200 tỷ đồng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục