50% nước trên thế giới đã lập nhóm ứng phó sự cố máy tính quốc gia

17:16' - 30/06/2021
BNEWS Theo Báo cáo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (GCI), khoảng một nửa số quốc gia trên toàn cầu cho biết đã thành lập nhóm ứng phó với sự cố máy tính quốc gia, cho thấy mức tăng 11% kể từ năm 2018.

Báo cáo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (GCI) mới nhất được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) được công bố ngày 29/6 cho thấy cam kết ngày càng tăng trên toàn thế giới trong việc giải quyết và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh mạng.

Các quốc gia đang nỗ lực cải thiện an ninh mạng dù có những thách thức do đại dịch COVID-19 và sự chuyển dịch nhanh chóng của các hoạt động hàng ngày và dịch vụ kinh tế - xã hội sang trực tuyến.

Theo GCI 2020, khoảng một nửa số quốc gia trên toàn cầu cho biết đã thành lập nhóm ứng phó với sự cố máy tính quốc gia, cho thấy mức tăng 11% kể từ năm 2018. Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong đại dịch COVID-19 đã đặt vấn đề an ninh mạng lên hàng đầu.

Tổng thư ký ITU Houlin Zhao khẳng định, trong những thời điểm đầy thách thức như hiện nay, việc phụ thuộc vào ICT để thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội khiến cho việc bảo đảm an ninh mạng và xây dựng niềm tin ở người dùng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

GCI là một yếu tố quan trọng, đưa đến một cái nhìn tổng thể về các cơ hội và khoảng trống có thể được giải quyết để củng cố hệ sinh thái kỹ thuật số của mỗi quốc gia.

Khoảng 64% quốc gia đã áp dụng chiến lược an ninh mạng quốc gia vào cuối năm 2020, trong khi hơn 70% đã tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong năm ngoái, so với mức tương ứng 58% và 66% vào năm 2018.

Tuy nhiên, dù có những tiến bộ đáng chú ý, khoảng cách về năng lực không gian mạng vẫn tồn tại.

Nhiều quốc gia và khu vực tụt hậu trong các lĩnh vực then chốt như đào tạo kỹ năng an ninh mạng, thu hẹp các lỗ hổng an ninh mạng trong các lĩnh vực tài chính, y tế, năng lượng và các lĩnh vực quan trọng khác, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước các mối đe dọa mới, bảo vệ dữ liệu cá nhân khi các hoạt động trực tuyến mở rộng.

Theo dữ liệu của ITU, khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới đã trở thành người dùng Internet lần đầu tiên từ năm 2015 (khi GCI đầu tiên được công bố) đến năm 2019.

Với thiệt hại toàn cầu do tội phạm mạng dự kiến ở mức 6.000 tỷ USD trong năm nay, người dân ngày càng tin tưởng và mong muốn các chính phủ tăng cường các tiêu chuẩn an ninh mạng cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân và tài chính.

Báo cáo GCI là kết quả của Chương trình nghị sự về an ninh mạng toàn cầu (GCA). Chương trình này được ITU bắt đầu triển khai từ năm 2007 theo đề xuất của Tiến sỹ Hamadoun I. Touré, Tổng thư ký ITU khi đó và được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo và chuyên gia an ninh mạng trên thế giới. GCA được ITU quan tâm triển khai trong nhiều năm qua.

Đây là lần thứ tư ITU công bố GCI, chỉ số đo lường các cam kết về an ninh mạng của 193 quốc gia thành viên và Nhà nước Palestine (không phải là quốc gia thành viên ITU).

Chỉ số này nhằm xác định các lỗ hổng, xây dựng một lộ trình để hướng dẫn các chiến lược quốc gia, tạo các khuôn khổ pháp lý, xây dựng năng lực, nêu bật các thông lệ tốt, tăng cường các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy văn hóa an ninh mạng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục