9 tháng, Việt Nam xuất siêu 21,68 tỷ USD

12:30' - 29/09/2023
BNEWS Trong tháng 9/2023 ước tính cả nước xuất siêu 2,29 tỷ USD góp phần nâng con số xuất siêu của Việt Nam tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 21,68 tỷ USD.
Theo tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023 ước tính cả nước xuất siêu 2,29 tỷ USD góp phần nâng con số xuất siêu của Việt Nam tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 21,68 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm 88,3%.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 223,08 tỷ USD, chiếm 93,7%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD.

Đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù thị trường xuất khẩu giảm từ đầu năm nên doanh nghiệp xuất khẩu giảm thu mua nguyên liệu dẫn đến tâm lý người sản xuất còn e ngại trong sản xuất như ngành thuỷ sản hay hay ngành sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình thu mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chế biến. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế có sự ổn định hơn, hoạt động xuất khẩu đang dần có tín hiệu cải thiện.

Chẳng hạn như: tăng trưởng ngành nông lâm thuỷ sản dự kiến đạt 3% cho năm 2023 và khả năng đạt được là rất cao, do quý IV/2023 vào vụ thu hoạch các sản phẩm như cà phê, cao su, chè, trái cây các loại; đặc biệt lúa Thu Đông năm nay có khả năng tăng khá về sản lượng. Cùng với đó, tín hiệu tăng từ thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản, với sự trở lại của thị trường xuất khẩu Trung Quốc khi họ mở cửa trở lại hay Nhật Bản và một số quốc gia thuộc khu vực châu Á. Thủy sản cũng có tín hiệu tốt về thị trường xuất khẩu (tôm nước lợ) nên người nuôi đã bắt đầu thả nuôi từ quý III năm nay để chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối năm.

Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các thị trường có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…Đồng thời, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao sau dịch COVID -19 khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá tại thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sụt giảm. Vì vậy, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của thị trường lớn đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có phản ứng chính sách phù hợp.

Cùng đó, Bộ tăng cường và đổi mới về xúc tiến thương mại hướng đến thị trường mới, nhiều tiềm năng; tuyên truyền, phố biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, những ưu đãi trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là thị trường đang có kim ngạch xuất khẩu lớn... để doanh nghiệp kịp thời ứng phó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục