90 tỷ đồng cho chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016

13:31' - 22/01/2016
BNEWS Năm 2016, mặc dù kinh phí cho chương trình thấp chỉ có 90 tỷ đồng nhưng nhìn tổng thể mức kinh phí đưa ra cho một số chương trình đều tăng so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp tổng kết chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 do Ban Quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã tổ chức ngày 22/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2016 mặc dù kinh phí cho chương trình thấp chỉ có 90 tỷ đồng nhưng nhìn tổng thể mức kinh phí đưa ra cho một số chương trình đều tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đây chỉ là vốn mồi, bởi nhiều doanh nghiệp khi tham gia vào chương trình chỉ được hỗ trợ 50% còn lại bỏ tiền ra để thực hiện chương trình.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu làm tốt chương trình sẽ là cách huy động tiền của dân, của doanh nghiệp vào phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa các đơn vị chủ trì, các địa phương, các đơn vị trong và ngoài nước là rất quan trọng.

Thứ trưởng mong muốn, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, công tác phối kết hợp cần được tăng cường hơn nữa, có kế hoạch rõ ràng và có sự thay đổi để phù hợp với tình hình.

90 tỷ đồng cho chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, bước sang năm 2016, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 2016 – 2020, giai đoạn kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã kết thúc đàm phán hoặc đã được ký kết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan lên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại.

Đối với Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

Chương trình bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm nhằm mở rộng thị trường, mặt hàng xuất khẩu; trong đó, chú trọng đến các thị trường thuộc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…; các nước thuộc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA) như Pháp, Đức, Bỉ, Italia, Balan…, hay các nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) như Lào, Campuchia, Myanmar và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)…

Đồng thời, phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

Tuy nhiên, để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về xúc tiến thương mại để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình xúc tiến thương mại do Nhà nước hỗ trợ.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam chia sẻ, năm 2015 là năm thắng lợi của ngành hồ tiêu Việt Nam với 1,276 tỷ USD.

Để có được thành công đó bên cạnh sự nỗ lực lớn của ngành còn có sự đóng góp không nhỏ từ phía Bộ Công Thương; trong đó có chương trình x úc tiến thương mại quốc gia.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tổng kết chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Cũng theo bà Nguyễn Mai Oanh, năm 2016, ngành hồ tiêu được tăng trong chương trình xúc tiến thương mại với trên 1 tỷ USD. Thị trường Mỹ là thị trường ngành hàng hồ tiêu hướng tới. Hiện nay, ngành hồ tiêu đã có những tiêu chuẩn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn từ thị trường này.

Do đó, bà hy vọng Bộ Công Thương có những hỗ trợ hơn nữa để Hiệp hội có thể làm tốt nhiệm vụ đề ra cho năm 2016.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Mộc, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 2015, Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Kiên Giang mang lại kết quả lớn là nhờ vào sự giúp đỡ từ chương trình này.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp duy trì những công việc đang làm góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, hai mặt hàng được đưa vào xúc tiến là gạo và thủy sản.

Tuy vậy, nếu không có Chương trình Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương thì Kiên Giang không làm được nên kiến nghị Bộ Công Thương phê duyệt sớm đề án và hướng dẫn rất cụ thể.

Nhìn lại năm 2015, ông Bùi Huy Sơn, Tổng thư ký Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cho hay, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện 228 đề án với tổng kinh phí là gần 112 tỷ đồng, sử dụng hết 100% kinh phí được bố trí.

Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về mặt kinh phí, Bộ Công Thương chủ trương tập trung nguồn lực hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thủy sản, nông sản thực phẩm, đồ gỗ, dệt may, da giày. Đồng thời ,chú trọng phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới hải đảo.

"Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia mặc dù vẫn chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn nhưng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, cơ quan Xúc tiến thương mại chính phủ, phi chính phủ và nhờ kết quả đầu tư cho Xúc tiến thương mại từ các năm trước, đã tiếp tục góp phần vào việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; củng cố, khai thác và phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp." Ông Bùi Huy Sơn khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục