ABBank cẩn trọng trích lập dự phòng rủi ro, làm mới Chiến lược ngân hàng

14:41' - 29/01/2024
BNEWS Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 ghi nhận tăng trưởng về quy mô hoạt động, các chỉ số huy động và dư nợ tín dụng.

Trong đó, ABBank cẩn trọng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ và củng cố năng lực, làm mới chiến lược ngân hàng.

Cụ thể, tổng tài sản của ABBank tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 161.966 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2022 - sát với room tín dụng được cấp trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của thị trường giảm mạnh. Huy động từ khách hàng đạt 115.654 tỷ đồng, tăng 25,9%. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng nhẹ ở mức 5,7% so với năm 2022.

 

Trong năm 2023, theo đúng định hướng giảm mức độ phụ thuộc vào tín dụng, thu nhập từ dịch vụ đạt 992 tỷ đồng, tăng trưởng 125% so với 2025, đóng góp 23% vào tổng thu nhập của ABBank. Bên cạnh đó, với các chính sách điều chỉnh lãi suất cho vay để kịp thời hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ, thu nhập lãi thuần cả năm đạt 2.833 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tình hình nợ xấu toàn ngành gia tăng, năm 2023, ABBank đã cẩn trọng trích lập 1.489 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đảm bảo hoạt động bền vững của ngân hàng. Hệ số an toàn vốn (CAR) tại thời điểm cuối năm 2023 đạt mức 11,1%, thể hiện khung vốn vững chắc với mức đệm vốn tốt so với yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 ghi nhận 513 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 đạt 2,17%, kiểm soát tốt trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước là dưới 3%.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, ABBank ghi nhận tăng trưởng số lượng khách hàng ở cả hai nhóm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), lần lượt là 22%15% so với cùng kỳ. Quy mô giao dịch trên kênh ngân hàng số tăng trưởng 11,8% về số lượng khách hàng giao dịch và tăng 63% về số lượng giao dịch trên kênh số so với năm 2022 (đạt gần 33,3 triệu giao dịch/năm).

Theo ABBank, kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt được như kỳ vọng đã phản ánh hai thực tế: một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng; hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.

Trước bối cảnh này, ABBank đã tập trung nguồn lực triển khai Dự án trọng điểm “Làm mới Chiến lược Ngân hàng”, với sự tư vấn và đồng hành của McKinsey – công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu.

Cụ thể, ABBank tập trung rà soát địa điểm và tái thiết kế mô hình hệ thống mạng lưới chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ABBank để có thể tối ưu hoạt đông tư vấn giải pháp và dịch vụ cho khách hàng. Đối với kênh ngân hàng số, ABBank tiếp tục chú trọng nâng cấp và cải thiện dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và khách hàng SME, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. ABBank sẽ có những điều chỉnh quyết liệt về mặt cơ cấu tổ chức cũng như mô hình quản trị trên toàn hệ thống để tạo nền móng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục