ACB dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế, chuyển niêm yết sang HOSE

11:40' - 16/06/2020
BNEWS Việc chuyển đăng ký niêm yết có thể giúp cổ phiếu ACB lọt vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)…
Phát hành trái phiếu quốc tế, chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu sang Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ thông... là những vấn đề quan trọng được trao đổi tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra ngày 16/6, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, do nhu cầu đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước, bổ sung nguồn vốn cấp II và tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn để cho vay, ACB đã xin ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng USD trong năm 2020 với tổng khối lượng phát hành không quá 10% tổng huy động tiền gửi của khách hàng theo kỳ hạn trung và dài hạn cũng như lãi suất trái phiếu theo thị trường tại thời điểm phát hành.

Đối với cổ phiếu ACB và căn cứ vào vị thế của ngân hàng là tổ chức có quy mô vốn hóa hàng đầu trên thị trường chứng khoán niêm yết và hiệu ứng chuyển sàn, Hội đồng quản trị nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết.

Hội đồng quản trị đánh giá việc chuyển đăng ký niêm yết có thể giúp cổ phiếu ACB lọt vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)… Qua đó, giúp tăng giá trị thị trường của cổ phiếu ACB và đem lại lợi ích cho cổ đông.

Tại cuộc họp, ACB cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức, sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận trong năm 2019.

Dự kiến việc tăng vốn sẽ hoàn thành trong quý IV/2020 và vốn điều lệ tăng thêm tối đa gần 5.000 tỷ đồng lên mức 21.615 tỷ đồng.

Theo Hội đồng quản trị ACB, việc tăng vốn là rất cần thiết nhằm mục đích đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện trong việc xây dựng văn phòng, cải tạo, di dời trụ sở kênh phân phối, nâng cao năng lực tài chính, thích ứng những biến động của thị trường...

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ACB nhận định kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp do dịch COVID-19 và ngành ngân hàng cũng gặp khó khăn, thách thức khi mặt bằng lãi suất liên tục giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, nợ xấu có xu hướng tăng... Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng có khả năng sụt giảm mạnh.

Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ACB đạt khoảng 7.363 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2019. Tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục