ACB với nhiều triển vọng mới năm 2021

09:20' - 29/12/2020
BNEWS Với kết quả kinh doanh khả quan, sự kiện niêm yết trên sàn HOSE và ký kết hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm sản phẩm nhân thọ với Tập đoàn Sun Life cho thấy ACB có chiến lược tăng trưởng phù hợp.

Năm 2020 sắp khép lại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB - mã ACB) đã "gặt hái" được những thành công đáng kể và mở ra triển vọng sáng cho năm 2021.

 

Cụ thể, tính đến ngày 30/11/2020, ACB có tổng tài sản gần 428 nghìn tỷ, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8,723 tỷ, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Huy động vốn đạt 343 nghìn tỷ, có mức tăng trưởng là 11,5%. Tín dụng đạt 305 nghìn tỷ, mức tăng trưởng đạt 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%. 

Ngày 9/12, hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB chính thức được đưa vào niêm yết giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE). Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu ACB đạt 21.615 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 26.400 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/-20%.

Trước đó vào ngày 18/11/2020, ACB đã ký hợp tác độc quyền bancassurance với khoản phí trả trước là 370 triệu USD với Sun Life Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2021.

Lãnh đạo ACB nhận định, cùng với kết quả kinh doanh khả quan, sự kiện niêm yết trên sàn HOSE và ký kết hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm sản phẩm nhân thọ giữa ACB và Tập đoàn Sun Life cho thấy, ACB có chiến lược tăng trưởng phù hợp nên đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh và đạt nhiều thành công như mong đợi.

Nhiều công ty chứng khoán nhận định, hợp đồng Bancassurance sẽ mang đến nguồn thu lớn cho ACB trong thời gian tới; trong đó ước tính phí trả trước (upfront fee) lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, thương vụ này được kỳ vọng đem về cho ACB 370 triệu USD phí trả trước, tương ứng với khoảng 8.500 tỷ đồng. Từ năm 2021 trở đi, ACB sẽ bắt đầu ghi nhận khoản thu nhập phí trả trước này.

Còn theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc nhận được khoản phí trả trước trị giá 370 triệu USD từ hợp đồng độc quyền Bancassurance với Sun Life Việt Nam, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí thuần (NFI) cho ACB.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (VCBS), với việc thực hiện niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu ACB dự kiến sẽ được thêm vào rổ chỉ số VN30 ở kỳ đảo danh mục vào tháng 7/2021. 

Cùng quan điểm này, các chuyên gia PHS cũng cho rằng, việc niêm yết trên HOSE sẽ giúp ACB được đưa vào các rổ chỉ số tham chiếu quan trọng như VN-Allshare hay VN30 và được các quỹ ETF tham gia mua vào. Tuy nhiên cũng cần lưu ý ACB sẽ cần khoảng 6 tháng giao dịch trên sàn HOSE trước khi chính thức được đưa vào các rổ chỉ số nhằm đáp ứng các quy định về thời gian giao dịch tối thiểu. Do đó, ACB sẽ được chính thức đưa vào các bộ chỉ số tham chiếu bắt đầu từ giữa năm 2021.

Theo các chuyên gia VCBS, các kỳ vọng chính cho triển vọng của ACB năm 2021 ngoài hợp đồng độc quyền bảo hiểm còn đến từ tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trung bình ngành, ACB ghi nhận tín dụng tăng trưởng 10,7% sau 9 tháng/2020, nhanh hơn mức tăng trưởng 6,09% của toàn ngành. 
Một lợi thế nữa trong năm 2021 của ACB là danh mục trái phiếu chính phủ có giá trị thị trường cao hơn giá trị sổ sách. ACB sở hữu danh mục trái phiếu chính phủ đạt 61.632 tỷ đồng, lợi suất danh mục trái phiếu ghi nhận đạt 5% trong quý III/2020.

Mức lợi suất ghi nhận cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường ở mức 1 - 3%. Như vậy, ACB có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoản đầu tư nếu thực hiện bán bớt lượng trái phiếu chính phủ này. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VCBS cũng cho rằng, ACB phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng sau khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 hết hiệu lực.

Tuy nhiên, nợ xấu của ACB sẽ ở mức thấp hơn trung bình ngành và khả năng thu hồi nợ xấu cao hơn nhờ chất lượng tài sản đảm bảo tốt.

Mặc dù ghi nhận mức tăng nhẹ của nợ xấu từ mức 0,55% năm 2019 lên 0,83% vào quý III/2020, ACB vẫn là một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 1% và có tốc độ tăng của nợ xấu thấp hơn nhiều so với trung bình ngành. 

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho các khoản vay của ACB chủ yếu là bất động sản có pháp lý rõ ràng và có giá trị thị trường ổn định trong dài hạn. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, việc xử lý thu hồi nợ của ACB cũng tương đối thuận lợi với tỷ lệ thu hồi nợ đã xóa trong quá khứ thuộc nhóm cao nhất ngành.

Dư nợ xấu tăng lên của ACB do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng sẽ được thu hồi ở tỷ lệ cao trong tương lai và thể hiện ở khoản mục thu nhập khác.

Các chuyên gia PHS cũng dự báo, với kết quả đạt được tương đối khả quan, tăng trưởng tín dụng của ACB trong năm 2020 có thể đạt mức 14%. Qua đó giúp cho thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16,2% . Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng có thể đạt 6,640 tỷ đồng, tăng trưởng 10,7%. 
Dự báo cho năm 2021, nhóm nghiên cứu của PHS cho rằng, tăng trưởng tín dụng của ACB trong năm 2021 sẽ duy trì ở mức 14% nhờ vào chất lượng tài sản tương đối ổn định của ngân hàng. Thu nhập lãi thuần của ACB có thể đạt mức 15.795 tỷ đồng, tăng 12.2%. Lợi nhuận sau thuế của ACB năm 2021 ước tính đạt 8,416 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 26,7% nhờ vào tác động của khoản phí trả trước được ghi nhận./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục