ADB giảm mức dự báo tăng trưởng toàn khu vực châu Á đang phát triển

17:09' - 20/07/2021
BNEWS Trong khu vực châu Á đang phát triển, không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới thì ADB đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế còn 7,5% cho năm 2021 và 5,7% cho năm 2022.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức này vừa đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm nay cho khu vực châu Á đang phát triển, giảm nhẹ so với mức dự báo 7,3% hồi tháng 4 vừa qua, do các đợt bùng phát mới đây của dịch bệnh COVID-19 đã làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực.

Đối với Việt Nam, mặc dù, nhờ vào sự phục hồi thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây đã thúc đẩy xuất khẩu kéo theo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng nhanh lên mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, so với mức 1,8% vào cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19 mới đây kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phố - nơi có mức tăng trưởng kinh tế lớn nhất nước đã ảnh hưởng nặng nề tới lưu thông thương mại và hạn chế rất nhiều các hoạt động kinh tế trong năm 2021.

Xuất phát từ đó, ADB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được đưa ra hồi tháng 4/2021.

Trong khu vực châu Á đang phát triển, không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc; Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) thì ADB cũng cập nhật dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế theo hướng điều chỉnh còn 7,5% cho năm 2021 và 5,7% cho năm 2022, giảm nhẹ so với mức dự báo trước đây lần lượt là 7,7% và 5,6%.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định: “Mặc dù, tình hình còn nhiều bấp bênh trong bối cảnh các đợt bùng phát mới của dịch bệnh, các biến thể vi-rút mới và việc triển khai vắc-xin cũng không đồng đều ở nhiều quốc gia, song công cuộc phục hồi sau đại dịch COVID-19 của châu Á và Thái Bình Dương vẫn đang tiếp diễn.

Ngoài các biện pháp ngăn chặn và tiêm chủng, việc phục hồi các hoạt động kinh tế có chiến lược và theo từng giai đoạn như thương mại, sản xuất và du lịch - sẽ là chìa khóa để bảo đảm công cuộc phục hồi xanh, bao trùm và bền vững".

Đại dịch COVID-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này, do các đợt bùng phát tiếp tục diễn ra ở nhiều nền kinh tế.

ADB dự báo, triển vọng tăng trưởng của Đông Á cho năm 2021 tăng từ 7,4% hồi tháng 4 lên 7,5%, trong bối cảnh mức phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Dự báo tăng trưởng cho tiểu vùng này trong năm 2022 được giữ nguyên ở mức 5,1%. Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng được duy trì ở mức 8,1% cho năm nay và 5,5% cho năm 2022, trong bối cảnh sự phục hồi ổn định của các ngành công nghiệp, xuất khẩu và dịch vụ.

ADB cũng dự báo cho năm 2021 đối với các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương bị hạ thấp, do các đợt bùng phát mới đang được ứng phó bằng các biện pháp ngăn chặn và hạn chế, gây thiệt hại tới hoạt động kinh tế. Triển vọng tăng trưởng của Nam Á cho năm tài khóa 2021 giảm từ 9,5% xuống còn 8,9%.

Dự báo cho Ấn Độ bị hạ một điểm phần trăm, xuống còn 10,0%. Triển vọng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4,0%, trong khi dự báo cho các nền kinh tế Thái Bình Dương giảm từ 1,4% xuống còn 0,3%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của năm 2022 cho các tiểu vùng này đã tăng lần lượt lên 7,0%, 5,2% và 4,0%.

Dịp này, ADB cũng dự báo mức lạm phát năm 2021 của khu vực châu Á và Thái Bình Dương được nâng từ 2,3% hồi tháng 4 lên 2,4% do giá dầu và giá hàng hóa gia tăng. Con số dự báo tình hình lạm phát cho năm 2022 vẫn ở mức 2,7%./.

>>Malaysia nâng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2021

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục