Agribank hướng dòng vốn tới sản xuất kinh doanh

16:07' - 29/04/2016
BNEWS Agribank góp phần tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn đối với nền kinh tế, giúp nguồn vốn “chảy” vào các ngành sản xuất thiết yếu.
Agribank hướng dòng vốn tới sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, hướng tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được đánh giá là thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Nhận thức sâu sắc tầm ảnh hưởng quan trọng của chính sách này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tiên phong nhập cuộc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

*Tích cực đẩy vốn “chảy” vào sản xuất thiết yếu

Những năm qua, Agribank đã cùng ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng thời mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua triển khai chính sách tín dụng, Agribank góp phần tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn đối với nền kinh tế, giúp nguồn vốn “chảy” vào các ngành sản xuất thiết yếu. Đến 25/4/2016, tổng nguồn vốn Agribank đạt trên 833.000 tỷ đồng, dư nợ nền kinh tế đạt trên 681.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 70,2%. Riêng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp đạt trên 217.000 tỷ đồng, trên 364.000 khách hàng doanh nghiệp đang có quan hệ hợp tác với Agribank.

Riêng tại khu vực TP Hồ Chí Minh, tại Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Agribank cam kết giải ngân 1.062 tỷ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp trong năm 2016, với các chương trình tín dụng đang được Agribank tập trung triển khai như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ; cho vay bình ổn thị trường…

Bên cạnh hỗ trợ tích cực cho “tam nông”, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, trong đó chú trọng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất nhằm đẩy mạnh dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển tín dụng góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lâm sản Sinh Thành, cho biết, so với trước đây, thủ tục vay vốn ngân hàng nay đã thông thoáng hơn nhiều, doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận vốn  tín dụng thuận lợi hơn.

“Trước đây doanh nghiệp tôi phải tìm đến ngân hàng, nay ngân hàng đã tự tìm đến doanh nghiệp động viên vay vốn khi nhìn thấy cơ sở vật chất, nhà xưởng, dòng tiền của doanh nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của ngân hàng, từ chỗ chỉ xuất khẩu một thị trường nay đã mở rộng sang nhiều thị trường khác, doanh thu tăng gần gấp đôi”, ông Nguyễn Duy Thành nói.

*Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp

Trước đây, để hãm lại đà tăng của nợ xấu cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu doanh nghiệp có triển vọng phục hồi sản xuất.

Theo đó, nhờ kịp thời được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà Công ty CP Gạch gói Đất Việt đã hồi sinh sau những tháng ngày khó khăn, sản xuất cầm chừng, tưởng chừng như phá sản.

Ông Lương Quang Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Đất Việt cho biết, từ tháng 6/2014, công ty  được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi vốn trung và dài hạn thêm 5 năm (từ 20 năm sang 25 năm ) giúp công ty giảm dần áp lực tài chính, từ chỗ mỗi tháng phải trả gốc và lãi 10 – 12 tỷ đồng/tháng, nay xuống 6 – 8 tỷ đồng/ tháng. Đặc biệt, sau đó công ty được vay 25 tỷ đồng vốn lưu động, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất.

Ông Phú cho biết thêm, năm 2011, Công ty vay Agribank 128 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, đúng thời điểm này nền kinh tế  thế giới và trong nước khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, công ty lại không có tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất  thua lỗ, có nguy cơ không trả được nợ.

Có thời điểm 6 tháng liền, ban lãnh đạo, cán bộ hành chính chậm trả lương. Nhưng đến nay, công ty đã trả gốc vay đến năm 2017, vượt trước thời hạn 2 năm. Có được như vậy, là do các khoản nợ của công ty đã được Agribank tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cũng như Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã thoát khỏi khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh nhờ hưởng lợi từ các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng tiêu dùng, xuất khẩu, gói 30.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp… của Agribank.

Agribank cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất thông thường khác, cũng như thực hiện các giải pháp về đảm bảo nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục