Agribank nỗ lực giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022-2023) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng là chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế. Tuy nhiên, qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, các ngân hàng mới giải ngân được trên 4.400 tỷ đồng với gần 550 khách hàng; dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng.
Là một trong những ngân hàng triển khai nhanh, tích cực với dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt mức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại, song Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng cho rằng còn nhiều khó khăn trong đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình này. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank.
PV: Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là chương trình hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên thông báo triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, ngay sau khi Chính phủ ban hành chính sách và Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn. Ông có thể cho biết kết quả thực hiện chương trình đến nay?
Phó Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng: Là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, xác định đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, ngay khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, ngày 20/5/2022 Agribank cũng đã ban hành ngay quy định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đồng thời, Agribank đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nội dung chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước; tổ chức tập huấn cho 26.000 cán bộ, trong đó 14.000 cán bộ tín dụng và hơn 10.000 giao dịch viên. Toàn hệ thống Agribank đã chỉ đạo rà soát dư nợ, các khoản giải ngân trong 6 tháng đầu năm đối với các khách hàng thuộc ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất đến với khách hàng…
Tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng.
Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
PV: Mặc dù các ngân hàng chủ động vào cuộc trong triển khai chính sách, tuy nhiên theo đánh giá chung của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ giải ngân và thực hiện chương trình còn chậm. Phản ánh chung của khách hàng cũng cho rằng việc tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất còn nhiều khó khăn. Thực tế triển khai tại Agribank như thế nào, thưa ông?
Phó Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng: Thực tế chương trình mới triển khai 3 tháng, kết quả chưa cao do các khoản ký hợp đồng và giải ngân từ 1/1/2022 chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ hiện hữu thuộc 11 nhóm ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định.
Trong quá trình triển khai, theo phản ánh của khách hàng và các chi nhánh Agribank trên cả nước, chúng tôi cũng thấy nổi lên một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể như, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng.
Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40-50% dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đã quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản…
Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có có bảng kê thu mua hàng hóa. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Mặt khác, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề, lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ nên các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
PV: Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên Agribank có kiến nghị đề xuất gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo hiệu quả của chương trình theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thưa ông?
Phó Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng: Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng trước yêu cầu cấp bách đáp ứng nhu cầu nguồn vốn thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế, Agribank cũng quán triệt toàn hệ thống về việc triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không triển khai, các trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, Agribank cũng tiếp tục giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng tối đa khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ…
Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký Hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần nắm rõ và đảm bảo các quy định, điều kiện để được hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Các cơ quan truyền thông cũng tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng thực tế từ khách hàng không đúng đối tượng, không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
- Từ khóa :
- Agribank
- Phạm Toàn Vượng
- hỗ trợ lãi suất 2%
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Agribank hỗ trợ tích cực phát triển thị trường hàng Việt
21:10' - 11/08/2022
Agribank thường xuyên quán triệt, tuyên truyền trong toàn hệ thống triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều giải pháp phù hợp đặc thù hoạt động kinh doanh.
-
Ngân hàng
Ra mắt mô hình ngân hàng số Agribank Digital
14:37' - 04/08/2022
Ngày 4/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã ra mắt mô hình ngân hàng số Agribank Digital.
-
Ngân hàng
Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm
10:18' - 29/07/2022
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản Agribank đạt 1,77 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng.
Tin cùng chuyên mục
-
Ngân hàng
ECB có thể cần hạ lãi suất sâu hơn nếu nền kinh tế “hụt hơi”
09:00' - 12/07/2025
Nếu các rủi ro suy thoái gia tăng và kìm hãm lạm phát, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là điều cần thiết.
-
Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
19:10' - 11/07/2025
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với gần 2 triệu thành viên tham gia. Tổng tài sản hệ thống đạt 191,5 nghìn tỷ đồng.
-
Ngân hàng
OCB bổ nhiệm Giám đốc Tài chính mới
16:29' - 11/07/2025
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố thông tin bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiếu đảm nhận vai trò Giám đốc Tài chính kể từ ngày 15/7/2025.
-
Ngân hàng
Hàn Quốc: Tiền giả thấp nhờ thanh toán không dùng tiền mặt
15:47' - 11/07/2025
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết tổng cộng có 48 tờ tiền giả đã được phát hiện tại nước này trong nửa đầu năm 2025, trong bối cảnh xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt tiếp tục gia tăng.
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 11/7: Giá USD và NDT nối dài chuỗi giảm
08:59' - 11/07/2025
Vietcombank điều chỉnh giảm 30 đồng ở cả hai chiều giao dịch, đưa tỷ giá USD hôm nay 11/7 xuống còn 25.920 - 26.280 VND/USD (mua vào - bán ra).
-
Ngân hàng
Giám đốc Tài chính OCB xin thôi nhiệm
18:27' - 10/07/2025
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa thực hiện công bố thông tin về việc đã nhận đơn xin thôi nhiệm của ông Nguyễn Huy Đức – Giám đốc Tài chính, theo nguyện vọng cá nhân.
-
Ngân hàng
Nguyên nhân Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất cơ bản
10:45' - 10/07/2025
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản 2,5% nhằm đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của giá nhà đất và nợ hộ gia đình.
-
Ngân hàng
Thuế quan của Mỹ: Fed chia rẽ về ảnh hưởng đối với lạm phát
10:14' - 10/07/2025
Nội bộ Fed đã có sự chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này về triển vọng lãi suất, chủ yếu bắt nguồn từ khác biệt trong kỳ vọng về việc thuế quan có thể ảnh hưởng đến lạm phát.
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 10/7: Giá USD và NDT biến động nhẹ
08:54' - 10/07/2025
Tỷ giá USD hôm nay 10/7 tại Vietcombank là 25.950 - 26.310 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán.