Ai Cập đủ dự trữ lúa mì cho đến cuối năm 2022

08:42' - 12/03/2022
BNEWS Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly khẳng định quốc gia Bắc Phi này có đủ dự trữ lúa mì cho đến cuối năm 2022, đồng thời chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu hỗ trợ người dân vượt qua áp lực lạm phát hiện nay.

Theo ông Madbouly, kho dự trữ lúa mì chiến lược của Ai Cập đủ để trang trải cho bốn tháng tới và dự kiến sẽ được bổ sung nguồn dự trữ thêm 5 tháng khi mùa lúa mì trong nước bắt đầu vào giữa tháng Tư tới.

Ai Cập hiện là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong đó khoảng 80% nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

 

Trong những ngày gần đây, Ai Cập đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc từ 14 thị trường thay thế, gồm các quốc gia ngoài châu Âu như Mỹ, Argentina, Canada và Paraguay, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thủ tướng Madbouly lưu ý rằng chính phủ Ai Cập sẽ cung ứng cho thị trường tất cả hàng hóa cần thiết, đồng thời cảnh báo các thương gia không tích trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, ông Madbouly kêu gọi thường xuyên giám sát để ngăn chặn các hành vi thao túng trong bối cảnh quốc gia này đã ghi nhận giá cả một số sản phẩm như thịt và gia cầm gia tăng những ngày gần đây.

Nội các Ai Cập cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá các hàng hóa chiến lược quốc tế đã tăng chưa từng có do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và chi phí vận chuyển tăng đột biến. Ước tính, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nền kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 400 tỷ USD trong 2 tuần qua.

Trên quy môt toàn cầu, giá lúa mì đã tăng 48%, giá dầu ăn tăng 32%, giá ngô tăng 30%, giá đường tăng 7%, thịt đông lạnh tăng 11%, gia cầm tăng 10% và xăng dầu tăng tới 55%. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Madbouly, giá lúa mì và dầu ăn tại Ai Cập chỉ tăng tương ứng 17% và 10%, mức tăng thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Theo Thủ tướng Madbouly, Ai Cập đã thành lập một ủy ban để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, tương tự như ủy ban được thành lập để đối phó với đại dịch COVID-19 hồi năm 2020. Chính phủ Ai Cập cũng đã ban hành các chỉ thị để hạn chế tác động của lạm phát đối với đời sống của người dân.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait cho biết giá lúa mì trên thị trường quốc tế tăng đột biến có thể khiến chi phí nhập khẩu mặt hàng chiến lược này tăng từ 12-15 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 0,76-0,95 tỷ USD)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục