Ai Cập là một trong số các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu

12:14' - 12/09/2022
BNEWS Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập, Hani Suweilam, ngày 11/9 nói rằng Ai Cập là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập, Hani Suweilam, ngày 11/9 nói rằng Ai Cập là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, nhiệt độ cao, xói mòn đất và xâm nhập mặn.

 

Phát biểu tại Diễn đàn "Môi trường và Phát triển: Con đường dẫn tới Hội nghị COP27 tại Sharm El-Sheikh", ông Suweilam cho biết với hơn 100 triệu dân, 97% nguồn cung cấp nước của Ai Cập đến từ sông Nile và biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu nước ở đất nước Kim tự tháp.

Diễn đàn khai mạc ngày 11/9 và sẽ kéo dài đến hết ngày 13/9, như một phần trong công tác chuẩn bị của Ai Cập đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheik vào tháng 11 tới.

Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường hợp tác để đối phó với hiện tượng khí hậu cực đoan, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa các lĩnh vực nước, lương thực và nông nghiệp vào chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu tại COP27, qua đó góp phần nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề về nước phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững liên quan.

Ai Cập, một trong những quốc gia khan hiếm nước nhất trên thế giới, hiện cần tới 114 tỷ mét khối nước/năm, song nước này chỉ nhận được trung bình 60 tỷ m3, chủ yếu từ sông Nile, do lượng nước mưa và nước ngầm trong sa mạc rất hạn chế. Trong khi đó, dân số của Ai Cập dự kiến sẽ tăng thêm 75 triệu người vào năm 2050, và điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực về nguồn cung cấp nước.

Ai Cập đang cố gắng khắc phục tình trạng khan hiếm nước bằng cách nhập khẩu 54% lượng nước ảo (virtual water). Nước ảo là lượng nước cần để sản xuất ra sản phẩm, trong đó có thực phẩm. Nước ảo còn được gọi là "lượng nước gắn vào" sản phẩm, do vậy lượng nước ảo là một lượng khổng lồ khó được xác định. Nước ảo đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ dưới hình thức nhập khẩu thực phẩm.

Các số liệu của Chính phủ Ai Cập cho thấy lượng nước bình quân đầu người hàng năm của Ai Cập hiện là 560 mét khối/người, thấp hơn nhiều so với ngưỡng khan hiếm nước theo chuẩn quốc tế. Theo LHQ, một quốc gia đối mặt với tình trạng khan hiếm nước khi nguồn cung cấp nước hàng năm của quốc gia đó giảm xuống dưới 1.000 m3/người.

Ông Suweilam cho biết thêm Ai Cập đang nỗ lực nâng cao khả năng quản lý nước, bao gồm cải tạo các kênh mương và xây dựng các nhà máy xử lý nước khổng lồ để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho người nông dân ở khu vực nông thôn.

Ông Suweilam cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở rộng các dự án khử mặn, nghiên cứu các giải pháp tái sử dụng nước thải ít tốn kém và hiệu quả hơn. Ai Cập đã chuẩn bị một chiến lược về nguồn nước đến năm 2050, với khoản ngân sách có thể lên tới 50-100 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục