Ai Cập tham gia Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS

07:50' - 31/03/2023
BNEWS Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 30/3 đã ban hành sắc lệnh tổng thống cho phép quốc gia này tham gia Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Năm 2021, Hội đồng Thống đốc NDB đã thông qua quyết định kết nạp Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Uruguay vào đại gia đình NDB.

 

Đây được coi là sự khởi đầu của việc mở rộng NDB với tư cách là một tổ chức đa phương toàn cầu. Trang web của NDB liệt kê Bangladesh, UAE và Ai Cập là các thành viên mới, trong khi phân loại Uruguay là thành viên tiềm năng.

Trước đó hồi tháng 1/2023, các nghị sĩ Ai Cập đã rất hoan nghênh thỏa thuận gia nhập NDB của Cairo, coi đây là một biện pháp giúp giảm nhu cầu đối với đồng USD của nền kinh tế Ai Cập. Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hạ viện Ai Cập, ông Mohamed Abdel-Hamid nhấn mạnh: "Việc Ai Cập gia nhập NDB của nhóm BRICS cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm nguồn USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, vì các thành viên của NDB có thể sử dụng đồng nội tệ của họ trong trao đổi thương mại".

Với trụ sở chính đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), NDB được nhóm BRICS thành lập vào năm 2015 nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.

NDB là một ngân hàng phát triển đa phương nhằm huy động các nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở BRICS cũng như các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển (EMDC).

Tổng thống El-Sisi đã tham dự hai hội nghị thượng đỉnh BRICS vào năm 2017 và 2022. Hồi tháng 7/2022, Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS Purnima Anand thông báo Ai Cập, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ trình hồ sơ để gia nhập nhóm BRICS.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, BRICS là một nhóm quan trọng tập hợp các nền kinh tế mới nổi chủ chốt trên thế giới, chiếm 41% dân số thế giới, 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và hơn 16% thương mại thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục