Aixtron: Con đường M&A không bằng phẳng

20:23' - 19/12/2016
BNEWS Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) thế giới gần đây đang xôn xao vì thương vụ Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian GrandChip Investment Fund - FGC) của Trung Quốc muốn mua lại công ty Aixtron của Đức.

Hiện tương lai của thương vụ này vẫn chưa rõ ràng, song những thông tin về công ty công nghệ nổi tiếng của Đức này và nguyên nhân khiến thỏa thuận mua bán với nhà đầu tư Trung Quốc vấp phải rào cản vẫn đang thu hút sự quan tâm dư luận.

Được thành lập vào năm 1983, Aixtron hiện đặt trụ sở tại thành phố Herzogenrath thuộc bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức. Công ty này tuyển mộ hàng trăm kỹ sư tay nghề cao và có lịch sử phát triển hàng thập kỷ trong việc tạo ra các thiết bị công nghệ cao cho ngành bán dẫn.

Aixtron hiện đặt trụ sở tại thành phố Herzogenrath thuộc bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức. Ảnh: zeit.de

Aixtron chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt vào tháng 11/1997. Kể từ niêm yết trên sàn chứng khoán, Aixtron đã thực hiện thành công một số vụ thâu tóm, bao gồm việc mua lại mảng thiết bị khoa học của công ty Thomas Swan & Co. (Anh) và công ty Epigress AB của Thụy Điển vào năm 1999.

Aixtron cũng đã hoàn thành việc sáp nhập với đối thủ Genus, Inc. của Mỹ vào tháng 3/2005 với giá 118 triệu euro và mua lại công ty phát triển vật liệu nano Nanoinstruments Ltd. vào năm 2007.

60% doanh thu của Aixtron là từ các khách hàng châu Á, chỉ khoảng 18% doanh thu từ châu Âu và 22% còn lại là từ Mỹ. Trong tài khóa 2015, doanh thu của Aixtron đạt 197,8 triệu euro, tăng 2% so với tài khóa trước đó. Lợi nhuận gộp (lợi nhuận thu được sau khi lấy doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán) của Aixtron trong cùng kỳ cũng tăng từ 39,7 triệu euro lên 49,8 triệu euro.

Aixtron hiện đang nắm trong tay công nghệ liên quan đến hợp chất Gallium Nitride (GaN) và Nanotube (ống nano carbon), được dùng để chế tạo các thiết bị chiếu sáng cường độ cao, tập trung năng lượng lớn.

Trong quân sự, GaN và Nanotube sẽ giúp các thiết bị thông tin liên lạc, radar và đặc biệt là vũ khí laser trở nên chính xác và nguy hiểm hơn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề khiến Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đánh giá vụ FGC mua Aixtron ở mức "đe dọa đến an ninh quốc gia".

CFIUS lo ngại rằng, các công nghệ của Aixtron sẽ nhanh chóng rơi vào tay của quân đội và Chính phủ Trung Quốc, và được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Trong tháng Chín vừa qua, FGC và Aixtron đã cơ bản thống nhất được mức giá chuyển nhượng là 670 triệu euro (tương đương 715 triệu USD). Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã tham vấn cho Chính phủ Đức ngăn chặn thương vụ trên sau khi nhận được cảnh báo từ phía Mỹ về nguy cơ an ninh, nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Đức hồi đầu tháng 12, ông Korbinian Wagner - người phát ngôn Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết quá trình xem xét đang được phía Đức tiến hành trở lại và các bên phải chờ đợi kết quả.

Đây là lần thứ ba trong khoảng một phần tư thế kỷ vừa qua, Mỹ quyết định ra tay ngăn chặn một vụ M&A giữa các công ty nước ngoài. Sở dĩ Mỹ có thể làm được điều này là vì mối quan hệ đặcbiệt giữa Aixtron và thị trường Mỹ. Aixtron có chi nhánh tại California với khoảng 100 nhân viên và doanh thu từ thị trường Mỹ cũng chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh thu của công ty này.

Quyết định ngăn chặn vụ mua bán giữa FGC và Aixtron của Tổng thống Mỹ Obama được đưa ra tại một thời điểm rất nhạy cảm trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống Mỹ mới đắc cử, ông Donald Trump, đã nhiều lần lên án Trung Quốc về việc thực hiện các thương vụ không công bằng, định giá đồng NDT ở mức thấp hơn giá trị thực để hỗ trợ xuất khẩu, làm tổn thương đến người lao động và kinh tế Mỹ.

Trung Quốc mới đây cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định ngăn chặn của Mỹ vào thương vụ giữa FGC và Aixtron. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng nói rằng, vụ mua bán giữa FGC và Aixtron là hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường.

Sự can thiệp của Mỹ sẽ cản trở kế hoạch của Trung Quốc liên tục tìm mua kỹ thuật cao cấp của các nước phương Tây, vốn là mối lo ngại lâu nay của Washington và các nước châu Âu.

Chỉ tính riêng tại Đức trong năm 2016, các công ty và quỹ đầu tư của Trung Quốc đã hoàn tất cả thủ tục mua bán - sáp nhập trị giá

11,3 tỷ euro. Mục tiêu của Trung Quốc là những công ty công nghệ cao, như công ty Kuka AG chuyên sản xuất robot hay một bộ phận của Osram Licht AG chuyên sản xuất các thiết bị điện.

Bản thân Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức cũng đã nhiều lần kêu gọi xem xét một cách cẩn thận những vụ mua bán giữa Trung Quốc và các công ty kỹ thuật, công nghệ của Đức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục