Thị trường lithium thế giới - Bài cuối: Nhiều cơ hội có thể bị bỏ lỡ

06:30' - 07/08/2024
BNEWS Do Chile trì hoãn quá lâu việc mở cửa ngành lithium nên các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ, Canada và Trung Quốc, đã chuyển sang đầu tư mạnh hơn vào nước láng giềng Argentina.

Ông Christel Bories, lãnh đạo tập đoàn khai thác mỏ Eramet của Pháp, cho biết hiện tại Argentina có nhiều dự án lithium hơn Chile vì các điều kiện ở Chile khó khăn hơn. Tập đoàn Eramet vừa mới khai trương nhà máy lithium carbonate mới ở Argentina.

Bộ trưởng Grau cho biết các doanh nghiệp Đức cũng đang phàn nàn về thời gian phê duyệt dự án quá lâu của Chile. Ông khẳng định sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc rút ngắn thời gian phê duyệt và đang chuẩn bị một luật tương ứng để trình Quốc hội Chile.

Theo bà Cornelia Sonnenber, lãnh đạo Phòng Ngoại thương Đức-Chile (AHK Chile), quan liêu chỉ là một trong những vấn đề của chính phủ nước này. Thủ tục phê duyệt dự án không chỉ mất nhiều thời gian mà còn không thể đoán trước được. Nhiều yêu cầu bất ngờ mới khiến một số dự án sụp đổ nhanh chóng. Trong khi đó, các công ty mong muốn các kế hoạch của họ được đảm bảo an toàn.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Chính phủ Chile đối với lĩnh vực lithium cũng bị các doanh nghiệp trong ngành chỉ trích. Giới doanh nghiệp tư nhân cho rằng điều kiện của họ so với các công ty khai thác mỏ nhà nước Codelco và Enami là thiếu công bằng, doanh nghiệp tư nhân chỉ được coi là "ưu tiên hạng hai" với rủi ro đầu tư cao.

 
Bộ trưởng Kinh tế Grau bác bỏ những lo ngại này. Ông khẳng định trong mọi trường hợp, mục tiêu là quan hệ đối tác công-tư tốt, tức là quan hệ đối tác giữa các công ty nhà nước và tư nhân. Theo ông Grau, ý kiến cho rằng Chile chỉ coi các công ty nước ngoài là sự lựa chọn thứ yếu là không chính xác. Ngược lại, Chile cần khu vực tư nhân để có thể khai thác tối đa tiềm năng của đất nước.

Cho đến nay, tại hồ muối Salar de Atacama, một trong những hồ muối lớn nhất ở dãy Andes, chỉ có công ty tư nhân SQM của Chile được cấp phép khai thác lithium. Công ty khai thác mỏ nhà nước Codelco và công ty tư nhân SQM đã thành lập một liên doanh mới. Bộ trưởng Grau khẳng định đây sẽ là một liên doanh lithium quan trọng nhất thế giới.

Theo ông Stefanie Schmitt từ cơ quan xúc tiến xuất khẩu GTAI của Đức ở Santiago, với ảnh hưởng ngày càng tăng của chính phủ, xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu cũ và doanh nghiệp mới là không thể tránh khỏi. 

Đây là điều mà công ty Tianqi của Trung Quốc đang gặp phải. Năm 2018, Tianqi mua 1/5 cổ phần của công ty sản xuất lithium lớn nhất Chile SQM, với giá 4 tỷ USD. Tianqi hy vọng có thể tăng cổ phần sở hữu tại SQM trong tương lai. Nhưng hiện tại điều ngược lại đã xảy ra: trong liên doanh với SQM, công ty nhà nước Codelco sẽ có tiếng nói quyết định với việc nắm giữ cổ phần chi phối (50% cổ phần cộng với một cổ phiếu). Do đó ảnh hưởng của Tianqi trong liên doanh sẽ suy giảm.

Trong khi đó, một số công ty khai thác mỏ của Trung Quốc như Ganfeng, Tianqi và Zijin đã đầu tư mạnh vào các mỏ lithium ở Argentina. Công ty Zijin đang có kế hoạch hợp tác với công ty nhà nước YPF của Argentina để xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu cực âm pin lithium cạnh mỏ khai thác lithium của họ. Các nhà sản xuất ô tô Chery và Gotion của Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện và pin trị giá 400 triệu USD tại tỉnh Jujuy của Argentina.

Hồi tháng Năm vừa qua, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới BYD của Trung Quốc đã bất ngờ tuyên bố tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Chile. Bà Stella Li, người đứng đầu chi nhánh BYD Americas, cho biết tình hình ở Chile quá phức tạp, kế hoạch bị hoãn lại vì có nhiều điều không chắc chắn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Grau vẫn tin tưởng rằng các doanh nghiệp khác sẽ tham gia. Mới đây hai công ty đã gửi dự án xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu cực âm pin lithium-ion ở thành phố Antofagasta lên cơ quan quản lý của Chile.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục