Ấm áp tết đoàn viên của một gia đình người Việt tại Nhật Bản

16:55' - 31/01/2017
BNEWS Tết năm nay đối với anh Phạm Văn Sơn sẽ đầm ấm hơn vì đã có vợ và hai con mới sang đoàn tụ cùng anh trong năm 2016 vừa qua.
Gia đình anh Sơn bên mâm cơm tất niên. Ảnh: Báo Tin tức

Người Việt sống tại Nhật Bản đón Tết Nguyên Đán xa quê đã không còn quá xa lạ ở “xứ sở mặt trời mọc”. Tuy nhiên, đối với một người khiếm thị, cùng gia đình sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản đón Tết Nguyên Đán ở đây, có lẽ sẽ mang tới nhiều điều thú vị.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, anh Phạm Văn Sơn bị khiếm thị bẩm sinh, đang cùng gia đình sinh sống tại khu vực gần thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản.

Sang Nhật Bản từ năm 2015, theo diện du học sinh, đây là lần thứ 2, anh đón một cái tết xa quê hương. Song tết năm nay đối với anh sẽ đầm ấm hơn vì đã có vợ và hai con mới sang đoàn tụ cùng anh trong năm 2016 vừa qua.

Cảm nhận thế giới chủ yếu bằng đôi tai và trí tưởng tượng của mình, nhưng anh Sơn vẫn có thể chăm sóc tổ ấm bé nhỏ của mình. Anh cho biết lúc đầu đến Nhật Bản, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn như: sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và đặc biệt không có người thân bên cạnh.

Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của những thầy cô giáo người Nhật và cộng đồng người Việt Nam tại đây, anh đã nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, không chỉ tự lo cho bản thân mà còn có thể chăm sóc gia đình.

Đất nước Nhật Bản được anh Sơn mô tả là “thiên đường” đối với những người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị như anh. Bởi từ ý thức trong cộng đồng đến cơ sở hạ tầng và quy định của chính phủ, tất cả đều giành cho những người khuyết tật sự quan tâm, để xóa đi mặc cảm, giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội và đứng bằng đôi chân của chính mình.

Tết đối với người Việt Nam tại Nhật Bản thường là một bữa cơm tất niên mang đậm hương vị quê nhà, cùng bạn bè quây quần đầm ấm. Gia đình anh Sơn cũng vậy, anh đã mời bạn bè tới dự bữa cơm tất niên Đinh Dậu 2017.

Các bạn bè của anh Sơn đã tới nhà để phụ giúp anh, chị làm những món ăn ngày Tết. Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt Nam tại Ibaraki này.

Gia đình anh Sơn cùng bạn bè chụp hình lưu niệm trong ngày Tết. Ảnh: Báo Tin tức

Những người Việt Nam xa quê như anh Sơn vẫn luôn nhớ về quê hương. Đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền. Căn nhà của anh tại Nhật Bản những ngày này đầy ắp dư vị Việt Nam.

Chị Thủy vợ anh Sơn cho biết bữa cơm tất niên của gia đình chị hôm nay có rất nhiều món ăn ngày Tết và mang đặc trưng của cả ba miền, bởi những người Việt tại Ibaraki này đến từ khắp các vùng, miền của Việt Nam, họ cùng giúp chị chuẩn bị, cũng như mang đến các món ăn đặc trưng ở quê hương mình.

Bạn bè được anh Sơn mời đến dự bữa cơm tất niên chủ yếu là người Việt Nam sinh sống quanh khu vực thành phố Tsukuba. Trong những ngày này, ai cũng nhớ về quê hương, gia đình.

Anh Phạm Văn Bảo, bạn của anh Sơn cho biết đã sống tại Ibaraki này mười mấy năm và người Việt sống tại đây rất đoàn kết, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Bữa cơm tất niên hôm nay là cơ hội để mọi người gặp nhau, cùng nhớ về đất nước, đặc biệt còn là dịp giáo dục con nhỏ về truyền thống quê hương.

Cộng đồng người Việt tại khu vực Tsukuba, Ibaraki chủ yếu là các trí thức, nhà khoa học, những người đang có đóng góp tích cực nhất cho quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, cũng như sự phát triển riêng của cả hai quốc gia. Họ được ngồi lại với nhau hàn huyên những gì đã làm được trong một năm qua, dự định trong năm mới.

Họ nói về quê hương, gia đình, người thân ở Việt Nam; cùng nhau nâng cốc chúc mừng một năm mới đã đến và cầu mong những điều tốt đẹp nhất.

Trong những người bạn của anh Sơn, có một vị khách đặc biệt người Nhật là ông Kazuyoshi Kamiwaki, ông chủ tại nơi anh đang làm việc, nhưng đồng thời cũng là một người bạn đã giúp đỡ anh rất nhiều trong cuộc sống. Ông Kamiwaki cho biết những người Việt Nam sinh sống quanh khu vực Tsukuba, Ibaraki đã làm cho quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản phát triển hơn nữa.

Những ngày năm mới này, người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản đều có mong ước của riêng mình. Đối với anh Sơn mong ước của anh là hoàn thành khóa học tại Nhật Bản, đồng thời thu hút được tài trợ để mở một ngôi trường dạy nghề châm cứu, xoa bóp cho người khiếm thị ở Việt Nam.

Có lẽ điều đáng nhớ và trân trọng nhất đối với một gia đình khiếm thị đón Tết Nguyên Đán tại Nhật Bản như gia đình anh Sơn là sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng người Việt Nam, cũng như sự thân thiện, giàu lòng nhân ái của những người bạn Nhật Bản, họ như những người thân đã giúp anh Sơn hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách.

Đây chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết dân tộc và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục